Sắc xuân trên quê hương

(Báo Quảng Ngãi)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, từ thành thị đến nông thôn đều chung một không khí rộn ràng, hối hả của những ngày cuối năm. Nhiều tuyến đường, nơi công cộng được trang trí cờ, hoa rực rỡ. Người người, nhà nhà đang chuẩn bị đón một cái Tết ấm áp, vui tươi và đậm đà bản sắc dân tộc.

1.Quảng Ngãi, không khí Tết đã tràn ngập khắp các tuyến đường, hẻm phố. Bên cạnh những tuyến đường, khu vực công cộng được Nhà nước bố trí kinh phí để chỉnh trang nhân dịp Tết cổ truyền, nhiều cộng đồng dân cư đã chủ động góp công, góp của để mang lại diện mạo mới cho hẻm phố.

Tại hẻm phố 320/16 Phan Đình Phùng, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), từ đầu tháng Chạp, hơn 20 hộ dân nơi đây đã tất bật trang trí ngõ hẻm bằng đèn lồng, cờ, hoa rực rỡ.

Đường giao thông nông thôn ở tổ dân phố Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân.

Đường giao thông nông thôn ở tổ dân phố Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân.

Ở xã Đức Hòa (Mộ Đức), để chuẩn bị đón xuân mới, từ tháng 11 âm lịch, người dân đã cùng vun trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh dọc 32 tuyến đường chính của xã. Riêng thôn Phước Xã, xã Đức Hòa, ngoài 3 tuyến đường chính của thôn được trang trí cờ, hoa, thì 100% tuyến đường ngõ xóm cũng đều khoác lên mình diện mạo rực rỡ, đầy sức sống bởi những khóm hoa sao nhái, mào gà, tía ngọ...

Những ngày cuối năm, nhiều người dân khi lưu thông trên tuyến đường nối từ tổ dân phố Giao Thủy, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đến xã Bình Dương (Bình Sơn) đều ngỡ ngàng khi thấy sắc hoa huỳnh liên “nhuộm vàng” cả cung đường. Đây là một trong những tuyến đường hoa, đường cờ Tổ quốc được chính quyền và nhân dân thị trấn Châu Ổ cùng chung tay thực hiện, để điểm tô thêm sắc xuân mới cho làng quê.

2. Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa, người Quảng Ngãi vẫn còn giữ lại gần như vẹn nguyên nhiều tục xưa, nếp cũ. Càng về cuối năm, những mỹ tục từ xa xưa lại hiện diện rõ nét trong đời sống hằng ngày của người dân miền đất Ấn - Trà.

Những ngày giáp Tết, hầu hết các cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đều cúng tất niên xóm (một số nơi gọi là cúng xóm). Đây là một tục lệ lâu đời, được các thế hệ người Quảng Ngãi luân phiên nhau gìn giữ, để tạ ơn thổ thần nơi cư trú và cầu mong những điều tốt đẹp.

Trong không khí tất bật, hối hả của những ngày cuối năm, người người, nhà nhà dù bận rộn đến mấy, cũng đều dành thời gian đi tảo mộ cho người thân của mình. Đây là nét đẹp văn hóa, được người Quảng Ngãi chung tay giữ gìn nhằm nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông” của cha ông ta bao đời qua.

Bên cạnh những phong tục linh thiêng những ngày giáp Tết, người Quảng Ngãi còn đón Tết bằng những lễ hội dân gian, giúp đoàn kết, gắn bó cộng đồng và vun đắp, gìn giữ văn hóa làng từ đời này qua đời khác. Tại xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), từ mùng 10 tháng Chạp đến nay, đều đặn 4 giờ 30 phút sáng và 16 giờ 30 phút chiều, người dân trong xã lại tề tựu về khu vực bờ sông Trà Khúc, đoạn ngang qua địa bàn xã, để xem các đội đua thuyền truyền thống tập luyện.

Người dân thôn An Lộc, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) trang trọng tổ chức lễ rước thuyền trước khi cho thuyền đua hạ thủy.

Người dân thôn An Lộc, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) trang trọng tổ chức lễ rước thuyền trước khi cho thuyền đua hạ thủy.

Thành viên các đội đua thuyền truyền thống ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) tập luyện chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống tổ chức vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thành viên các đội đua thuyền truyền thống ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) tập luyện chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống tổ chức vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

“Chúng tôi thường nói với nhau rằng, Tết đã đến với người dân Tịnh Long chúng tôi từ ngày 10 tháng Chạp. Với người dân Tịnh Long, lễ hội đua thuyền truyền thống vào mùng 5, 6 tết Nguyên đán là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc biệt quan trọng. Thế nên, chúng tôi dành gần như trọn vẹn cả tháng Chạp để tập luyện trước khi lễ hội chính thức diễn ra”, ông Cao Văn Bình, một người dân ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long, tự hào chia sẻ.

Gìn giữ tập tục gói bánh tét để thiết đãi khách trong mỗi dịp Tết cổ truyền, những ngày giáp Tết, nhiều cộng đồng người Hrê ở Quảng Ngãi tất bật lo chuẩn bị kỹ lưỡng khâu nguyên liệu. Mang lúa nếp ra sân giã, chị Đinh Thị Vút, ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ) nói trong niềm phấn khởi, năm nào cũng vậy, khi gieo lúa rẫy, tôi luôn dành một khoảnh nhỏ để gieo nếp làm bánh tét. Nếp thu hoạch về từ núi cao, được phơi khô rồi cất. Đến tháng Chạp, tôi mới mang lúa nếp ra giã, rồi chia cho hàng xóm mỗi nhà mỗi ít, để đến 27, 28 tháng Chạp, cùng nhau gói bánh tét. Dù bây giờ, nếp được bày bán khắp chợ, nhưng chúng tôi vẫn thích gói bánh tét từ chính gạo nếp được chúng tôi trồng trên rẫy và giã bằng tay. Sự kỳ công đó, thể hiện lòng thành của chúng tôi với món ăn truyền thống của dân tộc mình.

Chị Đinh Thị Vút (bên phải), ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ), giã lúa nếp để chuẩn bị nguyên liệu làm bánh dịp Tết cổ truyền. Ảnh: HỮU PHÁT

Chị Đinh Thị Vút (bên phải), ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ), giã lúa nếp để chuẩn bị nguyên liệu làm bánh dịp Tết cổ truyền. Ảnh: HỮU PHÁT

3. Sắc xuân trên quê hương không chỉ là ánh đèn lấp lánh, hoa khoe sắc rực rỡ, mà còn là tình người ấm áp, là những vòng tay nắm chặt nhau giữa đời thường. Để nhà nhà, người người cùng được đón Tết trong an vui, đầm ấm, những ngày giáp Tết, cả cộng đồng cùng tất bật chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Việt, một hộ nghèo ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) không khỏi xúc động, khi được Đoàn xã Hành Minh đến tận nhà trao 2,5 triệu đồng để chị và con gái (đang học lớp 4), có thêm kinh phí sắm sửa Tết. Đây là kinh phí do Đoàn xã Hành Minh kết nối, vận động từ một nhà hảo tâm là con em Hành Minh làm ăn xa quê.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Việt, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trở nên ấm cúng hơn nhờ có Đoàn thanh niên xã Hành Minh đến bảo ban, hướng dẫn con gái của chị học hành.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Việt, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trở nên ấm cúng hơn nhờ có Đoàn thanh niên xã Hành Minh đến bảo ban, hướng dẫn con gái của chị học hành.

“Để người nghèo đón Tết đủ đầy, mỗi tổ chức, cá nhân đều nỗ lực góp sức theo cách của mình và Đoàn xã Hành Minh cũng thế. Năm 2024, Đoàn xã huy động gần 200 triệu đồng để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Vào dịp giáp Tết, chúng tôi lại càng nỗ lực hơn nữa trong kết nối, vận động, để người nghèo, trẻ em khó khăn đón Tết an vui”, Bí thư Đoàn xã Hành Minh Bùi Nguyễn Quỳnh Trang cho biết.

Đoàn xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trao tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ chị Nguyễn Thị Việt, ở thôn Long Bàn Bắc.

Đoàn xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trao tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ chị Nguyễn Thị Việt, ở thôn Long Bàn Bắc.

Cùng gói ghém gấu bông, tự tay vẽ, trang trí những chiếc thiệp xinh xắn, đủ màu sắc, các em học sinh Trường THCS Bình Hải, xã Bình Hải (Bình Sơn) tỉ mỉ ghi dòng chữ chúc mừng năm mới 2025 lên thiệp để gửi tặng cho các bạn học sinh ở xã miền núi Sơn Bua (Sơn Tây). Không chỉ tặng gấu bông cho các bạn trường khác, học sinh và giáo viên nhà trường còn chuẩn bị tổ chức chương trình Tết yêu thương cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.

Học sinh Trường THCS Bình Hải, xã Bình Hải (Bình Sơn) gói ghém gấu bông gửi tặng các bạn học sinh ở huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: ĐVCC

Học sinh Trường THCS Bình Hải, xã Bình Hải (Bình Sơn) gói ghém gấu bông gửi tặng các bạn học sinh ở huyện miền núi Sơn Tây. Ảnh: ĐVCC

“Kinh phí tổ chức chương trình Tết yêu thương là từ Quỹ Vì bạn nghèo. Đây là mô hình do Liên đội Trường THCS Bình Hải lập nên và duy trì trong nhiều năm qua, nhằm chung tay vì bạn nghèo và khơi dậy trong toàn thể học sinh tấm lòng biết sẻ chia, yêu thương. Năm 2024, Quỹ Vì bạn nghèo của trường đã quyên góp được tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Từ số tiền này, thầy cô giáo tiếp tục đóng góp thêm để đủ 51 suất quà Tết, mỗi suất 500 nghìn đồng, tặng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm niềm vui, ấm áp khi Tết đến, xuân về”, thầy giáo Nguyễn Thanh Minh, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Bình Hải, bày tỏ.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202501/sac-xuan-tren-que-huong-9d1016f/