Sách giả, sách lậu trà trộn trước năm học mới
Tình trạng sách giả, sách lậu trà trộn lại là nỗi lo của nhiều gia đình khi bắt đầu chuẩn bị sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con em mình để phục vụ cho năm học mới.
Thời điểm này, nhiều gia đình bắt đầu chuẩn bị sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con em mình để phục vụ cho năm học mới. Tuy nhiên, tình trạng sách giả, sách lậu trà trộn lại là nỗi lo của nhiều gia đình.
Bà Phan Thị Mai, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, tranh thủ đến một công ty chuyên về sách và thiết bị trường học có uy tín lâu đời để mua sách giáo khoa cho cháu. Theo bà, việc chọn phải nơi bán sách giả sẽ gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt với người lao động và bà con ở nông thôn, nơi mà mua được một bộ sách đã là rất vất vả, nhất là đối với những gia đình có nhiều trẻ cùng đi học.
Với khả năng tinh vi, những bộ sách lậu dễ dàng qua mắt người tiêu dùng. Thực tế, sách lậu là những bản sao chép từ sách thật nhưng có chất lượng kém hơn, số năm tái bản cũ hơn và không được cập nhật kiến thức mới.
Ông Nguyễn Thái An, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP. Cần Thơ, cho biết: "Đối với Nhà xuất bản thì Nhà xuất bản đã bỏ ra chi phí tổ chức bản thảo rất là lớn. Ngoài ra còn trả tiền cho tác giả, phí nhuận bút. Nếu sách mà không được phát hành thì không thể mang lại doanh thu để bù đắp khoản phí đó".
Các đối tượng in lậu chào bán sách giả với chiết khấu cao. Nhiều cửa hàng không nắm rõ hoặc ham lợi nhuận nên dễ mắc bẫy. Khi đó, thiệt hại luôn thuộc về người dân và học sinh. Mọi người dân cần thận trọng khi mua sách giáo khoa cho con em vào năm học mới.
Một cuốn sách giả, kém chất lượng thường có hình thức không đẹp, chữ in và hình vẽ nhòe nhoẹt. Nguy hiểm hơn, sách giả có thể có nội dung không đúng hoặc không được cập nhật so với bản gốc. Tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Vừa mới đây, tại thành phố Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa các loại với quy mô cực lớn từ năm 2021 đến nay, số lượng lên tới hơn 4 triệu cuốn sách.
Cách đây một tuần, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã thu giữ hàng trăm thùng sách các loại, sau khi bắt quả tang các đối tượng Lê Duy Quang (SN 1982), Lê Minh Trí (SN 1988), Nguyễn Văn Ánh (SN 1980) cùng trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà có hành vi buôn bán hàng giả. Tổng giá trị trên các bìa sách hơn 200 triệu đồng. Các sách giáo khoa giả này được in ấn tinh xảo, kể cả tem giả cũng khó phân biệt được bằng mắt thường.
Từ nhóm đối tượng tại Đà Nẵng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng tiếp tục mở rộng điều tra, phát hiện và bắt giữ đường dây sản xuất, buôn bán sách giả với quy mô đặc biệt lớn tại TP HCM do Nguyễn Trung Luật (SN 1981) và Phạm Ngọc Quang (SN 1977) cầm đầu, cùng 5 đối tượng khác có liên quan, tham gia từ khâu mua sắm nguyên vật liệu, tem, in ấn, gia công đóng gói, chuyển sách đi tiêu thụ. Qua khám xét đã phát hiện rất nhiều máy móc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất sách giả; tạm giữ hơn 1 triệu con tem giả, hơn 600.000 sản phẩm và bán thành phẩm là sách giả tại nhiều cơ sở do các đối tượng trên sử dụng. Cơ quan công an đã khởi tố 10 bị can có liên quan.
Vụ việc này là một minh chứng rõ ràng về mức độ tinh vi và quy mô lớn của các đường dây sản xuất, buôn bán sách giả. Người tiêu dùng, đặc biệt là phụ huynh học sinh, cần cảnh giác và chọn mua sách giáo khoa từ những nguồn uy tín để đảm bảo chất lượng học tập cho con em mình.
Từ năm 2021 đến nay, các đối tượng trong đường dây sản xuất sách giả tại Đà Nẵng đã tiêu thụ hơn 4 triệu cuốn trên địa bàn cả nước. Để sản xuất được số lượng sách lớn như vậy, các đối tượng đã đầu tư các thiết bị hiện đại và có sự phân công nhiệm vụ cho từng người trong đường dây.
Đại tá Nguyễn Văn Tăng, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết: "Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán hàng giả là SGK có sự phân công vai trò rất bài bản. Cơ sở thì thuê trụ sở các xưởng rất lớn. Máy móc rất hiện đại. Nhiều loại máy in phục vụ cho việc sản xuất SGK. Cái nữa là tổ chức này có nghiên cứu thị trường và cung cấp cho toàn quốc".
Kỹ thuật in hiện đại, hình thức không khác gì sách thật nên rất khó để người dân phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách in lậu. Trước thực trạng này, ngành chức năng các địa phương đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan để ngăn chặn sự lưu hành của sách giả. Đây cũng là cách bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tác quyền của sách giáo khoa.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: "Các đội quản lý thị trường ở địa bàn tăng cường nắm tình hình, phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh thành phố Cần Thơ để tăng cường nắm địa bàn. Rà soát, nếu mà phát hiện cơ sở, sản xuất kinh doanh giả thì chúng tôi sẽ phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật".
Theo một số đơn vị kinh doanh, sách giả được làm tinh vi nhưng vẫn có những điểm quan trọng có thể phân biệt như chất lượng giấy kém hơn, chữ nhiều đoạn bị đứt nét, hình ảnh mờ nhòe. Đặc biệt, tem chống hàng giả sau sách là điều dễ nhận biết nhất.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Sách thiết bị trường học TP Cần Thơ, cho biết: "Tem sách giả không có độ nhám. Tem sách thật có độ nhám. Đối với sách thật, mỗi con tem có một mã số khác nhau, còn đối với sách giả chỉ có một mã số cho tất cả các cuốn sách nên sẽ không truy cập được vào tài liệu số, hành trang số của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam".
Sách in lậu được bán trà trộn với sách thật, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Người dân cần đến các công ty sách và thiết bị trường học hoặc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để tránh mua phải hàng giả. Danh sách đều được đăng tải trên cổng thông tin của Nhà xuất bản. Bên cạnh công tác kiểm tra của ngành chức năng, ý thức của các đại lý và nhà sách cũng rất quan trọng. Không vì lợi ích lớn mà tiếp tay cho các đối tượng xấu, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Quốc Thời - Nhật Di/VTV
Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-gia-sach-lau-tra-tron-truoc-nam-hoc-moi-post1482756.html