Sacombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế gần 50% trong năm 2023

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn bất ổn và trong nước cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức, các ngân hàng khác đặt mục tiêu thấp hoặc thụt lùi so với năm 2022, riêng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đặt mục tiêu tăng trưởng trước thuế năm 2023 lên đến 50%, đạt 9.500 tỷ đồng.

Kể từ năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank liên tục tăng

Kể từ năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank liên tục tăng

Tình hình kinh doanh khả quan trong năm 2022

Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông ngày 25/4 sắp tới, năm 2022, Sacombank đạt tổng dư nợ tín dụng 438.752 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2021, tối ưu trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp (13%). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%, thấp so với kế hoạch (< 2%), giảm 0,55% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm 2021, đạt 120% kế hoạch.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản đạt 591.908 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với năm 2021 và hoàn thành 103% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động đạt 519.132 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8% so với năm 2021 và hoàn thành 101% kế hoạch.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản đạt 591.908 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% so với năm 2021 và hoàn thành 103% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động đạt 519.132 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8% so với năm 2021 và hoàn thành 101% kế hoạch.

Trong năm 2022, Sacombank đã triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu theo đúng kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Kết quả đạt được tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu đạt 38.627 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Vốn chủ sở hữu sử dụng trong năm 2022 đạt 29.841 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch. Trong đó, vốn đưa vào kinh doanh sinh lời đạt 29.196 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch.

Về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB, Sacombank cho biết, kể từ ngày 14/3/2014 đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được đại hội đồng cổ đông Sacombank thống nhất là 30%.

Tuy nhiên, khi Sacombank phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về mức 23,63468% và đến ngày 31/5/2021 VSD lại điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về lại mức 30%.

“Kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu STB luôn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, chủ trương của Sacombank muốn cơ cấu cổ đông của ngân hàng luôn đa dạng để tạo động lực cho sự phát triển. Vì lẽ đó, Sacombank ghi nhận tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ của Sacombank” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Công Minh cho hay.

Với mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu, Sacombank cần tăng cường xử lý tài sản tồn đọng, bán nợ cho VAMC, thu hồi trái phiếu VAMC

Với mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm Đề án tái cơ cấu, Sacombank cần tăng cường xử lý tài sản tồn đọng, bán nợ cho VAMC, thu hồi trái phiếu VAMC

Mục tiêu chiến lược cho 2023

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng giám đốc Sacombank, cho rằng bước sang năm 2023, Sacombank sẵn sàng bước vào một chu kỳ kinh doanh mới với mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số toàn diện.

“Chúng tôi khẳng định sẽ luôn vận động không ngừng để phát triển bền vững, luôn đổi mới để bắt kịp thời đại. Với những tín hiệu tích cực trong thời gian qua, Sacombank tự tin có thể tái cơ cấu thành công sớm hơn thời hạn thay vì đến hết năm 2025” - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm nhấn mạnh.

Hiện nay, Sacombank còn nằm trong đề án tái cơ cấu nên chưa được chia cổ tức cho cổ đông. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ năm 2022 là 3.741 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước 8.931 tỷ đồng nên lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế hiện nay đạt 12.672 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn để chia cổ tức cho cổ đông sau khi đề án được hoàn thành.

Được biết, giá trị vốn hóa thị trường cuối năm 2022 đạt 42.417 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Cổ phiếu Sacombank thuộc nhóm thanh khoản tốt và hấp dẫn vốn ngoại, trong đó quỹ đầu tư Dragon Capital đã trở lại cổ đông lớn sau 11 năm, nắm giữ trên 5% cổ phần.

Về kế hoạch trong năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản đạt 657.800 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động 574.600 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 491.600 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, các giới hạn, tỷ lệ an toàn phải đảm bảo theo quy định.

Đối với kế hoạch phân phối tài chính năm 2023, Sacombank sẽ dùng 5% lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp để làm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được dùng cho quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi đều được phê duyệt 7%.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sacombank-dat-chi-tieu-loi-nhuan-truoc-thue-gan-50-trong-nam-2023-125890.html