Sài Gòn 1975 trong hồi ức Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Trong hồi ức của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Sài Gòn 1975 với những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mãi là những ngày đáng nhớ nhất, những ngày với cảm xúc hào hùng và xúc động, những ngày với những việc vĩ đại mà rất đỗi bình dị.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, năm nay đã 79 tuổi, là người dành cả cuộc đời cho Quân đội nhân dân Việt Nam với 51 năm trong quân ngũ. Ông đã tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với nhiều trận đánh lớn trên hầu hết các mặt trận ở Nam bộ.

Trong hồi ức của ông, những ngày cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mãi là những ngày đáng nhớ nhất, những ngày với cảm xúc hào hùng và xúc động, những ngày với những việc vĩ đại mà rất đỗi bình dị.

Ông Trần Ngọc Thổ (hàng đứng, thứ 3 từ trái qua) cùng Ban Tham mưu Trung đoàn 88, ảnh chụp ngày 28/4/1975 tại Cần Giuộc- Long An (ảnh NVCC)

Ông Trần Ngọc Thổ (hàng đứng, thứ 3 từ trái qua) cùng Ban Tham mưu Trung đoàn 88, ảnh chụp ngày 28/4/1975 tại Cần Giuộc- Long An (ảnh NVCC)

Kết quả của những kế hoạch mang tầm chiến lược

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trưởng thành từ người lính "ba lô, chân đất". Trong chiến tranh, ông cùng đồng đội chiến đấu trên khắp các chiến trường Tây Nguyên, đất thép Củ Chi, Đông Nam bộ… Ông dần trở thành một tướng cầm quân, một nhà nghiên cứu.

Với ông, chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh là kết quả quá trình đấu tranh bền bỉ, quyết liệt của quân và dân Việt Nam.

Những mốc thời gian 1968, 1973, đầu 1975, tháng 4/1975 với những trận đánh mang tính quyết định như Mậu Thân, Phước Long, Xuân Lộc...là các điểm mấu chốt được ông nhắc đi nhắc lại khi nói về chiến thắng 30/4/1975.

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, đầu tháng 4/1975, ngụy quyền Sài Gòn có 5 sư đoàn bảo vệ vòng ngoài cho thành phố, trong đó Sư đoàn 18 tại Xuân Lộc còn đầy đủ quân số, được đầu tư về mọi mặt, được chi viện hỏa lực. Xuân Lộc là điểm mà địch sử dụng toàn bộ khả năng hiện có để chống lại cuộc tiến công của ta.

Với trận Xuân Lộc, quân ta đã kéo địch ra xa Sài Gòn, tạo thế cho Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng, đi đến thắng lợi cuối cùng.

"Nếu ta không đánh thắng ở Xuân Lộc thì chiến tranh đã ác liệt chưa từng có, khủng khiếp chưa từng có và các quân đoàn của ta cũng không thể vào Sài Gòn từ hướng đó. Vì 18 trung đoàn bộ binh của địch ở Xuân Lộc sẽ xuống được Biên Hòa, rồi Sài Gòn thì vô cùng ác liệt. Cho nên có thể nói, chính đánh thắng ở Xuân Lộc góp phần quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh" - Đó là nhìn nhận, đánh giá của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ về trận Xuân Lộc ở phía Đông Sài Gòn.

Còn ở phía Tây Nam, ngày 9/4/1975, ông Trần Ngọc Thổ cùng Trung đoàn 88- được tách khỏi Quân khu 8, về trực thuộc Bộ Tư lệnh đoàn 232 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trung đoàn 88 với nhiệm vụ độc lập chiến đấu, từ phía Mỹ Tho, Kiến Tường tiến về Sài Gòn, đi đến đâu đánh đến đó, tạo bất ngờ, căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các hướng tiến công chính ở phía Đông, Đông Bắc…

Cứ như thế, sáng 30/4/1975, Trung đoàn 88 của ông Trần Ngọc Thổ đã vượt sông Vàm Cỏ Đông, vào Sài Gòn, thực hiện các nhiệm vụ được giao và chốt ở Nhà Bè. Mọi việc diễn ra thuận lợi, ngày chiến thắng không đổ máu, thành phố vẹn nguyên.

Ông Trần Ngọc Thổ cho rằng, khi bộ đội chủ lực như Trung đoàn 88 của ông tiến vào Sài Gòn, các công việc giành chính quyền đã được các lực lượng ở nội thành lo liệu với các đội "dân địch vận" phối hợp với Biệt động. Đó chính là lực lượng xuất thân từ trong lòng đô thị và âm thầm, anh dũng, "xuất quỷ nhập thần" chiến đấu giành lại thành phố:

"Bản thân Sài Gòn lúc bấy giờ thì khi lực lượng bộ đội chủ lực vào là đòn quyết định. Chứ thực tế 82 đội dân địch vận của thành phố đã vào nội thành, họ là các bí thư huyện ủy từ trong cứ ra, cùng với các phường xã và lực lượng Biệt động tạo thành lực lượng vô cùng hùng hậu, dù không quyết định toàn bộ nhưng chiến thắng trong nội thành dựa vào họ là chủ yếu" - Ông Trần Ngọc Thổ cho biết.

Và lòng dân với cách mạng

Trong hồi ức chưa bao giờ phai nhạt của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến thắng của lòng yêu nước trong chính người dân Sài Gòn, nhân dân miền Nam và cả nước.

Trước đó, ở vùng ven, bộ đội sống trong dân, được nhân dân Sài Gòn bao bọc, chở che để chiến đấu và chiến thắng.

Các bà má Củ Chi đã nuôi quân như nuôi chính con mình và câu chuyện của ông Trần Ngọc Thổ là một trong nhiều câu chuyện không hiếm.

"Hồi đó ở Củ Chi, chúng tôi ở gần nhà má Bảy. Một hôm má Bảy kêu tôi lại dặn, ở phía ụ mối má có chôn mấy khạp gạo, cá hộp…khi cần thì con đào lên mà dùng. Tôi hỏi: Sao má không chỉ cho du kích mà lại chỉ cho con. Má nói: Tụi mày ở ngoài Bắc vào đây, là bộ đội Cụ Hồ vào đây, không có cha mẹ nên má mới cho. Còn du kích thì ở ngay đây, có cha mẹ, gia đình" - Ông Thổ nhớ lại.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Rồi ông Trần Ngọc Thổ thay đổi đơn vị, từ Củ Chi hành quân về vùng Mỹ Tho, sang Đồng Tháp Mười, đóng quân giữa vùng bưng biền mênh mông. Trung đoàn 88 của ông cũng như nhiều đơn vị bộ đội khác tiếp tục sống và chiến đấu cùng đồng bào Nam bộ cho đến ngày chiến thắng 30/4.

Ông Trần Ngọc Thổ được bà con Nam bộ gọi thân thương là Tám Thổ với không biết bao lần bị thương và bao lần vượt qua ranh giới sinh- tử.

Ông Tám Thổ kể, thời đóng quân trong bưng biền ở chiến trường Kiến Tường- Long An, bộ đội ta sống bằng lương thực, thuốc men của người dân từ ấp chiến lược đem vào:

"Những bà má ở Long An, thời đó địch bao vây như thế, ấp chiến lược như thế nhưng hàng ngày đều lấy lý do đi thăm đồng, tát đìa để đem lương thực, thuốc men vào cho bộ đội. Bọn địch kiểm tra thấy hỏi bà mang đi đâu, má trả lời là của tôi mang đi dể dùng. Nó nói bà dùng nhiều vậy, bà mang cho Việt cộng thì có, thôi cho bà đi" - Ông Tám Thổ nhớ lại.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ có nhiều bài viết và xuất bản sách về lịch sử

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ có nhiều bài viết và xuất bản sách về lịch sử

Đến ngày 30/4/1975, ông Tám Thổ trong cánh quân thứ 5 vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Bình Chánh rồi về chốt tại Nhà Bè, ông tiếp tục cùng đơn vị của mình dựa vào dân mà chiến đấu, cùng với nhân dân giữ gìn thành phố.

"Chiến thắng có được dựa vào chiến tranh nhân dân, không có nhân dân thì Trung đoàn 88 không thể vào Sài Gòn được. Buổi trưa ngày 30/4, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi vào đến cầu chữ Y. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh vào Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân, rồi tràn xuống cư xá Ngân hàng, chiếm kho xăng Nhà Bè - đề phòng địch phá hoại. 10h đêm thì chúng tôi hoàn thành"- Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ đúc kết.

Câu chuyện của ông Tám Thổ- Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ về Sài Gòn 1975, một Sài Gòn gần như nguyên vẹn sau trận quyết chiến là câu chuyện về đường lối quân sự đúng đắn, sự mưu lược của quân đội ta, sự anh dũng chiến đấu của các đơn vị và trên hết là lòng yêu nước của nhân dân ta trong mọi giai đoạn của cuộc cách mạng.

Minh Hạnh-VOV TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/sai-gon-1975-trong-hoi-uc-thieu-tuong-tran-ngoc-tho-post1163438.vov