Sài Gòn - Chợ Lớn những ngày cách mạng lịch sử

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi nhiều lần gặp và trò chuyện với nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo. Ở tuổi xưa nay hiếm, trải qua cơn bạo bệnh khiến sức khỏe bà yếu đi nhiều nhưng bà vẫn rất mẫn tuệ. Mỗi lần gặp, chúng tôi được bà kể cho nghe về nhiều nhân chứng đặc biệt mà bà từng phỏng vấn trong những lần đi công tác. Một trong số đó là đồng chí Huỳnh Văn Tiểng (1920-2009), lão thành cách mạng, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm về buổi lễ ra mắt của Mặt trận Việt Minh ở Sài Gòn - Chợ Lớn chiều 20-8-1945 và những ngày Tháng Tám cách mạng sục sôi qua lời kể của đồng chí Huỳnh Văn Tiểng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của nữ nhà văn.

Nhà văn Nguyệt Tú (bên phải) và nhà báo người Mỹ Lady Borton. Ảnh: TUẤN TÚ

Nhà văn Nguyệt Tú (bên phải) và nhà báo người Mỹ Lady Borton. Ảnh: TUẤN TÚ

Sau Hội nghị Chợ Đệm của Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng ngày 17-8-1945, Mặt trận Việt Minh quyết định ra hoạt động công khai ở Sài Gòn. Đây là cuộc biểu dương lực lượng cách mạng lần thứ ba ở Sài Gòn - Chợ Lớn, sau hai lần tuyên thệ trọng thể của Thanh niên Tiền phong. Hội nghị cũng xác định thời cơ khởi nghĩa đã tới.

Từ 13 giờ ngày 20-8-1945, các đội Thanh niên Tiền phong trang bị đầy đủ cờ đoàn, cờ Việt Minh cùng băng-rôn, khẩu hiệu kéo về tập trung tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) ở đường Gallíeni. Mặc dù đại biểu đến rất đông, vượt quá sức chứa 1.000 người của rạp nhưng trật tự buổi lễ vẫn được bảo đảm tốt và hoàn toàn do Thanh niên Tiền phong đảm nhiệm. Tấm băng-rôn lớn mang dòng chữ “Lễ ra mắt của Việt Minh - Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh” được treo ngay trên mặt tiền rạp hát. Trên sân khấu cũng được trang trí nghiêm túc, nổi bật khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”. Trong khi đó, bọn cảnh sát đô thành và lính hiến binh Nhật chỉ đứng nhìn từ xa, có vẻ ngạc nhiên nhưng không can thiệp.

 Rạp Nguyễn Văn Hảo nơi Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai ngày 20-8-1945.

Rạp Nguyễn Văn Hảo nơi Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai ngày 20-8-1945.

Ông Huỳnh Văn Tiểng kể với nhà văn: “Buổi lễ mở màn bằng bài đồng ca “Lên đàng”, bài hát chính thức của Thanh niên Tiền phong mà ai cũng thuộc. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, là trưởng ban tổ chức đọc lời khai mạc. Theo đề nghị của bác sĩ Thạch, buổi lễ được đặt trong sự tưởng niệm nhà trí thức yêu nước, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mà nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đều biết tiếng, ngưỡng mộ, yêu mến. Giữa những ngày tháng Tám sục sôi tinh thần cách mạng, ôn lại và học tập tấm gương hy sinh của đồng chí Nguyễn An Ninh khiến chúng tôi ai cũng không cầm nổi xúc động, nghe như có tiếng thúc giục đứng lên đấu tranh bên mình. Anh Thạch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần yêu nước của cha ông, tập hợp dưới lá cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh để nhanh chóng cướp lấy thời cơ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong phần nói về Mặt trận Việt Minh hôm đó, có tôi và đồng chí Trần Văn Giàu và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ nhiệm Báo Thanh Niên. Chúng tôi say sưa nói về hoạt động của Việt Minh trong những năm qua trong niềm tin và tự hào không kể xiết. Đồng chí Trần Văn Giàu công bố tôn chỉ, mục đích cứu nước cao cả của Việt Minh do cụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Đồng chí nêu những thành tích quan trọng bước đầu của Việt Minh ở núi rừng Việt Bắc, nói rõ tinh thần đại đoàn kết cứu nước không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo của Việt Minh. Đồng chí kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở Nam Bộ hãy tạm dẹp những lợi ích riêng tư để tập trung vào lợi ích chung của Tổ quốc là độc lập và tự do. Con đường đúng đắn duy nhất hiện nay là gia nhập Mặt trận Việt Minh để tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lên diễn đàn phân tích rõ nội dung và ý nghĩa sâu sắc của tinh thần dân chủ trong Chương trình Việt Minh. Chương trình cụ thể này nhằm đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, phát huy tinh thần cao cả của hội nghị Diên Hồng lịch sử, tạo điều kiện huy động lực lượng khổng lồ có sức dời núi lấp sông, áp đảo quân thù, giành chiến thắng, tự do.

Cuối cùng là tôi, Huỳnh Văn Tiểng, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong Sài Gòn - Chợ Lớn nêu bật những bước tiến to lớn của phong trào thời gian qua và nhấn mạnh: Thanh niên Tiền phong không được thỏa mãn với những thành tích đã đạt được và không rời mục tiêu sáng chói như một ngôi sao dẫn đường là giành chính quyền trong tay kẻ thù, phá tan ách thống trị thực dân đế quốc, thành lập chính quyền nhân dân bằng lực lượng của bản thân mình. Muốn vậy, thanh niên phải tiến lên dưới ngọn cờ huy hoàng của Việt Minh nền đỏ sao vàng, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm”…

Sau lễ ra mắt Mặt trận Việt Minh công khai tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, một ủy ban khởi nghĩa để hoàn thành kế hoạch khởi nghĩa cho Sài Gòn và toàn Nam Bộ được thành lập gồm các đồng chí: Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn (đại diện Đảng Cộng sản), Nguyễn Văn Tư, đại diện Tổng công đoàn Nam Bộ, Huỳnh Văn Tiểng (đại diện Thanh niên Tiền phong). Sau đó, kế hoạch khởi nghĩa tại Sài Gòn vào đêm ngày 24-8 và rạng sáng 25-8, tổ chức biểu tình vũ trang ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ trước quốc dân đồng bào cũng được thông qua.

Thực hiện kế hoạch, ngay trong đêm 24-8, quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông hừng hực khí thế cách mạng kéo về nội thành, nhanh chóng chiếm giữ các cơ quan quan trọng như: Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện...

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HỒNG GIANG

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: HỒNG GIANG

Sáng 25-8-1945, hàng triệu quần chúng nhân dân ở nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận đổ về trung tâm thành phố dự mít-tinh chào mừng Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên đường phố, bay hiên ngang trên các công sở đánh dấu thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn. Ngày 2-9-1945, gần 2 triệu quần chúng Sài Gòn và các tỉnh đều đổ ra đường, kéo đến khu vực nhà thờ Đức Bà nơi sẽ diễn ra sự kiện: Đại diện của chính quyền cách mạng, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ ra mắt đồng bào. Qua loa phát thanh, trong niềm vui hân hoan, mọi người háo hức chờ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Quảng trường Ba Đình - Hà Nội!

BẢO LINH - SONG THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/sai-gon-cho-lon-nhung-ngay-cach-mang-lich-su-791996