Sai lầm cần tránh khi thủy đậu vào mùa

Nước ta đang bước vào giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao.

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Ảnh minh họa

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Ảnh minh họa

Tình trạng này tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát tán và lây lan. Nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, bệnh có thể gây biến chứng nặng.

Biến chứng gây nguy hiểm

Gần đây, một số bệnh viện trên cả nước ghi nhận các ca thủy đậu gia tăng. Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 liên tiếp ghi nhận các ca bệnh thủy đậu.

Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 - 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành mụn nước, bọng nước, mụn mủ. Bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng tiếp nhận bệnh nhân 18 tuổi (ngụ huyện Thanh Oai, Hà Nội) sốt cao, mệt mỏi, các vết bọng nước toàn thân kèm ho nhiều, tức ngực, kém ăn. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc thủy đậu biến chứng viêm phổi, phải điều trị nội trú kéo dài 3 tuần.

Thống kê cho thấy, trước đây vài tháng, các bác sĩ chỉ tiếp nhận một ca bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, cách đây 1 tuần, số ca bệnh thủy đậu phải nhập viện điều trị nội trú đã tăng lên 10.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), các bác sĩ cho biết đã ghi nhận một vài trường hợp mắc thủy đậu nhẹ. Những trường hợp này được chỉ định điều trị ngoại trú, hướng dẫn theo dõi các biến chứng.

Theo BS.CKI Trương Trọng Tuấn - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Virus này có kích thước khoảng 150 - 200mm, với nhân là AND.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp như ho khan, hắt xì. Bệnh lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước miếng, dịch tiết, chất lỏng từ mụn nước.

Virus gây bệnh bằng cách xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên (miệng, hầu họng) và cũng có thể là đường tiêu hóa, kết mạc mắt, nhưng hiếm gặp. Virus varicella-zoster có thể lây cho những người xung quanh chỉ trong 1 - 2 ngày trước khi người bệnh xuất hiện mụn nước. Virus chỉ ngừng lây khi tất cả mụn nước đã đóng vảy.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, nước ta đang bước vào giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao. Tình trạng này tạo điều kiện cho virus gây bệnh thủy đậu phát tán và lây lan.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều nhẹ. Tuy nhiên, nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh rất nặng, có thể gây viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…

Những biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này. Đặc biệt, thủy đậu không chỉ là căn bệnh trẻ em cần đề phòng, mà cả người lớn cũng có nguy cơ mắc. Biểu hiện bệnh ở người lớn đôi khi còn nặng và nguy cơ bội nhiễm cao hơn.

Trẻ sơ sinh, người lớn có hệ miễn dịch kém có nguy cơ biến chứng viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm tinh hoàn, viêm thận cấp (tiểu ra máu), biến chứng trên hệ tim mạch, viêm phổi, viêm tiểu não, viêm não… Biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc để lại di chứng trên thần kinh và vận động sau này.

Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ nguy cơ sẩy thai, hoặc có thể lây cho thai nhi qua nhau thai. Từ đó, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh rất cao.

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu trong thai kỳ có thể bị thủy đậu bẩm sinh. Đây là hội chứng rất nguy hiểm gây dị tật cho thai nhi, như: Dị tật ở sọ, dị tật gây bại não và đục thủy tinh thể

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả 98%

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, số ca mắc tăng cao. Năm 2017, cả nước có gần 39.000 trường hợp mắc thủy đậu, tăng khoảng 46% so với năm 2016. Theo thống kê từ Hội Y học Dự phòng Việt Nam, năm 2018, có hơn 31.000 ca thủy đậu được ghi nhận trên cả nước. 90% trường hợp nhiễm thủy đậu là trẻ từ 2 - 7 tuổi.

Hiện, vẫn có nhiều người quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió, trùm kín chăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, đây là quan niệm sai. Bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.

Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo. Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng.

Đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu. Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước. Ngoài ra, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày.

Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, khi một người trong gia đình mắc thủy đậu, khoảng 90% những người còn lại sẽ lây nếu chưa được tiêm vắc-xin. Virus gây bệnh thủy đậu có khả năng lây lan rất nhanh.

Hiện, bệnh thủy đậu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả lên đến 98%.

Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu trước hoặc sau mùa dịch sẽ giúp mọi người có kháng thể thích nghi trong cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho đợt dịch thủy đậu có thể xảy đến. Tiêm vắc-xin thủy đậu không chỉ cho trẻ em, mà còn cả người lớn, phụ nữ trước mang thai để cơ thể có miễn dịch chủ động.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Trọng Tuấn cho rằng, cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Từ năm 1970, khi nhà khoa học Nhật Bản tìm ra vắc-xin thủy đậu, bệnh đã được đẩy lùi rõ. Hiện, vắc-xin ngừa thủy đậu được “tích hợp” chung với vắc-xin sởi, quai bị.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sai-lam-can-tranh-khi-thuy-dau-vao-mua-post630557.html