'Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô cần xem xét giải thể'
'Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô, trường cần phải giải tán. Bộ đã có quy định, trường sai phạm phải bị xử lý nghiêm, không phải kiểu xử rồi vẫn tồn tại', TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Đông Đô là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sau 25 năm hoạt động, trường vướng nhiều sai phạm như tuyển sinh vượt chỉ tiêu, gian lận thi cử, bị đình chỉ tuyển sinh do tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao.
Mới đây nhất, hiệu trưởng cùng một số cán bộ ĐH Đông Đô bị khởi tố vì tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự. Chủ tịch HĐQT trường cũng bị truy nã vì tội danh tương tự.
Điều đáng nói trường này tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ chính quy văn bằng 2 nhiều năm liền, dù không được Bộ GD&ĐT cấp phép.
Kẽ hở trong quản lý, cấp phát văn bằng
Trao đổi với Zing.vn về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định sai lầm ở chỗ ký quyết định cấp văn bằng. Trước đây, để có phôi bằng, trường phải trình đủ giấy tờ, gồm danh sách nhập học, danh sách tốt nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh với chuyên viên Vụ quản lý Giáo dục chuyên nghiệp (nếu đào tạo TCCN) hoặc Giáo dục Đại học ( đối với CĐ và ĐH) Bộ GD&ĐT (phụ trách theo dõi trường). Người này chứng nhận, trình lên vụ trưởng rồi mới chuyển sang văn phòng bộ để cấp phôi bằng.
Sau này, vì một số chuyên viên sách nhiễu, bộ trưởng (khi đó là ông Phạm Vũ Luận) đã bỏ khâu ở Vụ Giáo dục Đại học, giao thẳng cho Văn phòng Bộ GD&ĐT. Việc thả lỏng này tạo ra kẽ hở khi sự phối hợp giữa văn phòng và Vụ Kế hoạch - Tài chính không tốt.
“ĐH Đông Đô là trường hợp như vậy. Người theo dõi ở Vụ Giáo dục Đại học không gắn với người theo dõi ở Vụ Kế hoạch - Tài chính”, ông Vinh giải thích.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nói thêm vụ việc ĐH Đông Đô cho thấy quản lý còn quan liêu. Khâu kiểm soát chất lượng có vấn đề. Đối với các trường, Bộ GD&ĐT không đơn thuần quản lý, mà phải kiểm soát chất lượng.
Bản thân ông từng phản đối quyết liệt quy định về quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Ông Vinh cho rằng với bằng cấp có in chữ Bộ GD&ĐT, bộ phải có quyền kiểm soát từ tuyển sinh, đào tạo đến cơ sở vật chất. Trường phải thông qua kiểm định, đảm bảo chất lượng mới được đưa dòng đó vào, tránh trường hợp chỉ mượn danh bộ "làm liều" như ĐH Đông Đô.
Theo chuyên gia này, việc cấp phát phôi bằng được giao cho văn phòng. Trong khi đó, chuyên viên ở văn phòng không có chuyên môn về lĩnh vực này, cấp phôi cho các trường làm đủ thủ tục, không có sự theo dõi trở lại.
Trường sai phạm phải bị xử lý nghiêm túc
Trong sự việc ĐH Đông Đô, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm một phần. Vấn đề còn nằm ở việc trường không tuân thủ. Để thắt chặt quản lý, Bộ GD&ĐT có thể ứng dụng công nghệ thông tin. Với blockchain, bộ nắm được mã định danh của sinh viên, nhập học ngày nào, quá trình học ra sao, bao nhiêu tín chỉ, ngày nào ra trường (biết được thời gian học).
Đương nhiên, thời gian không phải tất cả nhưng là điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng. Trường hợp học vài ba ngày mà có bằng không thể chấp nhận được.
“Nếu có công nghệ thông tin nối chặt các đầu mối (Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ GD&ĐT - PV), gian lận khó xảy ra hơn. Đương nhiên, trường vẫn có thể làm giả nhưng ít nhất, quá trình được giám sát chặt chẽ”, ông Vinh nói và cho rằng hiện nay, cả đào tạo văn bằng 1 lẫn văn bằng 2 đều có vấn đề, một phần ở việc xử lý sai phạm.
Trước đó, trong 9 năm ông làm vụ trưởng, một vài trường làm sai. Theo luật, ông trình bộ cho dừng tuyển sinh một năm và thông báo rộng rãi để xã hội biết. Chỉ cần làm nghiêm một trường, xử lý dứt điểm, hàng chục trường khác lấy đó làm gương, đỡ mất công kiểm tra (nhiều khi kiểm tra cũng không xuể).
“Sai phạm đến mức độ như ĐH Đông Đô, trường cần phải giải tán. Bộ đã có quy định. Trường sai phạm cần bị xử lý nghiêm túc, không phải kiểu xử rồi vẫn tồn tại. Xử lý một trường để răn đe hàng trăm trường khác”, ông Vinh nêu quan điểm.