SAM Holdings: Mặt trời ló rạng sau đêm dài
SAM Holdings đang đứng trước cơ hội chuyển mình, định hình lại vị thế trên thị trường nhờ sự mạnh dạn trong tái cấu trúc và tín hiệu khả quan của các dự án lớn.
Tái định hình vị thế
Công ty Cổ phần SAM Holdings là doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam. SAM Holdings tiền thân là Nhà máy Vật liệu Bưu điện II thành lập năm 1986. Không chỉ là đơn vị đầu tiên được cổ phần hóa trong ngành bưu chính viễn thông vào năm 1998, SAM Holdings còn là một trong hai doanh nghiệp tiên phong niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã "SAM", vào tháng 6/ 2000.
Nhiều năm gần đây, SAM Holdings chuyển hướng tập trung sang làm bất động sản, tuy nhiên, nhanh chóng trở thành thương hiệu "vang bóng một thời", ánh hào quang ngày nào dường như mờ nhạt dần trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của họ.
Nhà đầu tư theo đó cũng không còn dành sự mặn mà cho cổ phiếu SAM. Nếu như ở thời kỳ phong độ cao hồi đầu năm 2022, mỗi cổ phiếu SAM được định giá ở mức 30.000 đồng thì tới nay, thị giá chỉ "dập dìu" quanh ngưỡng 7.000 đồng.
Song, sau giai đoạn đầy thách thức và trầm lắng, SAM Holdings đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, tái định hình vị thế trên thị trường. Năm 2024, tính đến hết 9 tháng đầu năm (SAM Holdings chưa công bố Báo cáo tài chính quý IV/2024), doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt tăng trưởng 189% và 233% so với cùng kỳ 2023, đạt 3.177 tỷ đồng và 83 tỷ đồng.
Đây là thành quả từ việc mạnh dạn xử lý, tái cơ cấu các công ty thành viên kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm như Công ty Hạ tầng An Việt hay Công ty SAM Nông nghiệp Công nghệ cao (SAM Agritech), qua đó giúp giảm gánh nặng, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, lợi nhuận đến từ các khoản thoái vốn đầu tư này, và những bước tiến tích cực trong hoạt động sản xuất cáp quang và xuất nhập khẩu khoáng sản, cũng là góp phần kiến tạo nên sự thành công của SAM Holdings.
Thêm nữa, các dự án bất động sản đầu tư của SAM Holdings đang đến giai đoạn "hái quả" khi liên tục đem lại mức lợi nhuận tốt, điển hình là dự án Khu dân cư sinh thái SAM Tuyền Lâm, bất động sản Khu công nghiệp Tam Thăng 2 bắt đầu cho thuê với tỷ lệ lấp đầy cao.
Triển vọng bừng sáng
Một số dự án khác, bao gồm: Samland Riverside và Khu dân cư Long Tân dự kiến là khoản tài sản có giá trị rất lớn trong tương lai nếu SAM Holdings giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng và thuận lợi triển khai dự án.
Triển vọng của SAM Holdings bừng sáng hơn khi dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy tại Quảng Trị, có quy mô lên tới 685 ha, chia làm 10 bến, được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 14.235 tỷ đồng, sau nhiều năm "án binh bất động" đã chính thức được tái khởi động từ giữa năm 2024.
Dự án cảng Mỹ Thủy nhằm phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn và hàng hóa quá cảnh từ Lào, vùng đông bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC). UBND tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ đưa ít nhất một bến cảng cho tàu tải trọng 50.000 DWT vào hoạt động năm 2025. Để thực hiện, tỉnh đã phê duyệt phương án xử lý hơn 13 triệu m³ chất thải từ giai đoạn 1 của dự án xây dựng bến cảng.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu hàng năm khi giai đoạn 1 của dự án cảng Mỹ Thủy hoạt động hết công suất có thể đem lại khoảng 1.100 tỷ đồng, và chuyển đổi thành 250 tỷ đồng lợi nhuận cho chủ đầu tư. Với SAM Holdings - việc sở hữu 36% cổ phần tại dự án sẽ đem lại khoảng 90 tỷ đồng lợi nhuận, một con số khá lớn, dự kiến đóng góp cho doanh nghiệp vào năm 2028.
VCBS cho rằng đó là câu chuyện tăng trưởng dài hơi cho SAM Holdings, kéo dài tới tận năm 2036. Ngay kể cả khi SAM Holdings không muốn tiếp tục đầu tư, họ hoàn toàn có thể thoái vốn khỏi dự án cảng Mỹ Thủy và ghi nhận một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Để bổ trợ cho quan điểm của mình, VCBS đã tiến hành thực hiện so sánh cảng Mỹ Thủy với cảng Đồng Nai - có quy mô gần tương đương với giai đoạn 1 cảng Mỹ nhằm thấy rõ hơn tiềm năng mảng kinh doanh này. Theo đó, cảng Mỹ Thủy có khả năng tiếp nhận tàu rất lớn (100.000 DWT) với phí xếp dỡ và biên lợi nhuận tốt hơn nhiều nhóm tàu nhỏ. Mặt khác, cảng Mỹ Thủy đóng vai trò là cảng trung chuyển cho lượng hàng hóa từ Lào và các tỉnh lân cận từ đó tiết kiệm chi phí logistics cho toàn khu vực do trước đó không có cảng nào hoạt động tại Quảng Trị.
Nhìn chung, nhóm phân tích của VCBS kỳ vọng năm 2025 sẽ đánh dấu bước chuyển đối với SAM Holdings khi đội ngũ Ban lãnh đạo mới tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp và có thể sẽ gia tăng nguồn lực, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các dự án nêu trên trong năm 2025.
Từ những yếu tố trên, sử dụng phương pháp định giá từng phần và định giá tài sản do tiềm năng tăng trưởng của các dự án là rất lớn, tuy nhiên trong ngắn hạn tài sản vẫn chưa đem lại mức sinh lời cho trong giai đoạn đầu tư ban đầu, VCBS ước tính giá mục tiêu dành cho cổ phiếu SAM là 9.000 đồng, cao hơn khoảng 26% so với giá thị hiện tại (khép phiên sáng 3/1).
Ở góc độ thận trọng, VCBS lưu ý nhà đầu tư về các rủi ro của SAM, bao gồm: rủi ro chậm trễ dự án khi thực hiện đầu tư đồng loạt, có thể gây đội vốn và thiếu hiệu quả; rủi ro khó đòi từ các khoản phải thu (khoảng 600 tỷ đồng); rủi ro lãi suất khi đang có khoản vay lên đến 1.200 tỷ đồng...
Ngày 11/11/2024, ông Hoàng Lê Sơn đã xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị SAM Holdings nhiệm kỳ 2020 - 2025, và người kế nhiệm là ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc. Sau đó, ông Trần Quang Khanh - người trước đó giữ chức Phó Tổng giám đốc SAM Holdings được chọn làm người thay thế vai trò Tổng giám đốc của ông Việt Anh.
Được biết, ông Trần Việt Anh sinh năm 1978, có trình độ thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Ông đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc SAM Holdings từ năm 2018, tiếp quản lại sau khi ông Trần Anh Vương (Shark Vương) từ nhiệm. Trước đó, ông Việt Anh là Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh (DXG) giai đoạn 2014 - 2022; tháng 3/2022, ông xin từ nhiệm và bán ra 4,5 triệu cổ phiếu DXG trên tổng 4,6 triệu cổ phiếu nắm giữ.
Hiện tại, ông Trần Việt Anh còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (DSP), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công viên nước Đầm Sen (DSN), Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT), Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Quốc Gia, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Bảo hiểm Hùng Vương...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sam-holdings-mat-troi-lo-rang-sau-dem-dai-367726.html