Sầm Sơn phát triển sản phẩm, phát huy giá trị di sản, di tích
Sầm Sơn tọa lạc nơi sơn thủy hữu tình, nổi bật bởi dãy Trường Lệ đâm ngang ra bờ biển trải dài cát trắng từ nam cửa Hới đến xã Quảng Đại. Đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng, di sản, di tích hiện có, thời gian qua thành phố Sầm Sơn quan tâm đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích cách mạng, tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho khách thập phương.
Trên địa bàn đô thị du lịch biển Sầm Sơn có một di tích quốc gia đặc biệt, bốn di tích quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh; đậm đặc về hệ thống di tích gắn liền với tín ngưỡng đa thần, suy tôn, thờ người có công với nước, lập làng, truyền nghề cho nhân dân.
Đó là các đền thờ: Bà Triều, tổ sư nghề dệt lưới và dệt vải; Thái úy Tô Hiến Thành, đô đốc Nguyễn Sỹ Dũng; đề lĩnh Lê Quang Lộc - tổ sư truyền thống vật cổ truyền Lương Trung; tôn vinh Độc Cước, vị nhân thần-thiên thần xẻ thân mình làm đôi để giữ bình yên biển trời cho ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ xóm làng nơi chân sóng.
Thần Độc Cước được thờ tại nhiều di tích ở các địa phương trong cả nước nhưng theo các nhà nghiên cứu, Độc Cước được thờ chính tại đền Thượng làng Núi, trên hòn Cổ Giải ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây duy trì lệ tế lễ Độc Cước quanh năm nhưng nổi bật Lễ hội cầu Phúc được tổ chức vào tháng 3 hằng năm, thu hút tất cả các phường, xã ở Sầm Sơn cùng tham gia thực hành nghi lễ tín ngưỡng, tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tiếp nối là lễ hội thi làm bánh chưng, bánh giầy truyền thống.
Ở Sầm Sơn còn có hai di tích thờ Bà Triều-thủy tổ, truyền nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt xăm súc, lưới cụ cho ngư dân. Nội thất bài trí trong di tích còn có “ Tam tòa Thánh Mẫu”, khám thờ “Tứ vị Thánh nương” và Bà Triều gần gũi, gắn kết với hệ thống tín ngưỡng thời Mẫu cổ truyền phổ biến ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khanh, ở phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn cho hay: Đền Bà Triều trên địa bàn thờ đa thần và tổ chức chính lễ vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, cùng dịp giỗ tổ vua Hùng. Nghi lễ tri ân, tôn vinh các vị thần diễn ra quanh năm nhưng trong dịp lễ khai hạ, lễ cơm mới cư dân sở tại giữ tục gói, nấu bánh chưng, dâng thần thụ hưởng và phát lộc cho dân.
Lễ hội đền Bà Triều gắn kết, tiếp nối các lễ hội lớn ở Sầm Sơn, nhất là trong lễ hội cầu ngư, bơi trải diễn ra thường niên trên hạ lưu sông Mã, gần cửa Hới có nội dung thi đan lưới, tôn vinh chủ thể lao động, động viên ngư dân bám biển khai thác hải sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sinh, làm chủ ngư trường, biển đảo, vùng trời Tổ quốc.
Nhiều năm qua, thành phố Sầm Sơn luôn quan tâm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đi đôi với bảo tồn, phục dựng, tổ chức chuỗi lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao quanh năm, tạo thêm hấp dẫn, thu hút khách du lịch và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Nổi bật là thành phố Sầm Sơn quan tâm trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích cách mạng, kết nối các “địa chỉ đỏ” nhằm phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút du khách, các tầng lớp nhân dân.
Vào năm 2017, thành phố Sầm Sơn đã đầu tư tôn tạo, khánh thành, đưa vào khai thác Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Cố Gắng tại phố Trung Chính, phường Quảng Cư; tổ chức cơ sở đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn ngày nay.
Công trình được đầu tư từ nguồn xã hội hóa để phục dựng hai đơn nguyên nhà theo kiến trúc truyền thống trên khuôn viên có tổng diện tích gần 1.300m2. Khu lưu niệm thờ tự các đảng viên đầu tiên trong Chi bộ Cố Gắng, có nhà truyền thống trưng bày các tư liệu, hiện vật phản ánh những chặng đường xây dựng, trưởng thành của Đảng bộ thành phố Sầm Sơn đồng thời là địa chỉ lịch sử, văn hóa cách mạng, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Khu tượng đài tri ân, tôn vinh tấm gương hy sinh anh dũng của nữ điệp báo viên, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lợi cũng đã được xây dựng bên tuyến đường Hồ Xuân Hương chạy song song với bờ biển trải dài cát trắng. Công trình cùng không gian mở hướng biển, ngày đêm tiếp nối những con sóng đổ bờ, mãi âm vang, ngợi ca chiến công cùng bản lĩnh của người nữ anh hùng đã đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin cùng nhiều sĩ quan Pháp và hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng vào ngày 27/9/1950.
Khắc ghi kỷ niệm sâu sắc cùng những hình ảnh, tình cảm đặc biệt của Bác Hồ, thành phố Sầm Sơn sớm xây dựng, đưa vào khai thác Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm, kéo lưới cùng ngư dân Sầm Sơn ở khu phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn. Khu vực này có phong cảnh, hệ sinh thái gần gũi thiên nhiên, môi trường thân thiện, hiện phát triển nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực, đa dạng hải sản tươi ngon, cung ứng dịch vụ trải nghiệm trên thuyền, kết nối với đền Cô Tiên và không gian biển giàu lợi thế phát triển du lịch đã và đang được khai thác, phát triển xuống phía nam dãy Trường Lệ, thành phố Sầm Sơn.
Đặc biệt, hướng tới Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ học sinh miền nam tập kết ra bắc (1954-2024), cùng với việc sớm quy hoạch, quan tâm bố trí ngân sách đầu tư tuyến giao thông kết nối, đồng thời là “con đường ký ức” gợi mở, đưa du khách về với Sầm Sơn nói riêng, vùng đất, con người xứ Thanh nói chung; Ban liên lạc học sinh miền nam Trung ương đã huy động xã hội hóa xây dựng hình tượng con tàu tập kết, cụm phù điêu hình cánh cung, tái hiện, khắc ghi "tình sâu, nghĩa nặng" cùng các hạng mục phát huy công năng, giá trị công trình. Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tại phường Quảng Tiến được khánh thành, đưa vào khai thác vào tháng 10 năm nay.
Trong “thân tàu”, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh theo 6 chủ đề: Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam chuẩn bị tập kết; đón tiếp chu đáo, tận tình của đồng bào miền bắc; lực lượng tập kết trưởng thành trong lao động, học tập, công tác, xây dựng, chiến đấu bảo vệ miền bắc; chung sức giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và giới thiệu khái quát: 70 năm Sầm Sơn-Thanh Hóa ngày ấy, bây giờ.
Cuối năm 2024, tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn cùng cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn liên tục tổ chức chuỗi hoạt động, sự kiện, góp phần thu hút khách đến với thành phố Sầm Sơn. Giám đốc bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Đình Dương cho biết: Ngoài trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật, bộ phận quản lý khu lưu niệm còn chiếu phim tư liệu và cơ quan chuyên môn tiếp tục sưu tầm, bổ sung thêm hiện vật, đáp ứng nhu cầu, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan.
Theo báo cáo, với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành "thành phố của lễ hội", năm 2024 thành phố Sầm Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan tổ chức thành công các chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội. Nổi bật là khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024 và khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc và khánh thành khu lưu niệm; Lễ hội cầu Phúc đền Độc Cước; Lễ hội bánh Chưng-bánh Giầy; Liên hoan nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật quần chúng lần thứ II; Lễ hội Cầu ngư-Bơi trải; đồng thời tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều sự kiện chính trị, thể thao quan trọng.
Qua đó, góp phần tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu du lịch của tỉnh với kết quả đã đón được 8,86 triệu lượt khách, phục vụ 17,27 triệu ngày khách, tổng thu du lịch ước đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, tiếp tục cụ thể hóa bộ nhận diện “Du lịch Thanh Hóa-hương sắc bốn mùa”, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn của người dân trong tỉnh và khách thập phương.