Samsung tự tin khoe pin Galaxy S25 sống khỏe hơn gấp đôi iPhone 16 Pro Max
Nếu đang tìm kiếm một chiếc điện thoại với thời lượng pin ấn tượng, dữ liệu mới từ Liên minh Châu Âu (EU) có thể để tham khảo.
EU vừa công bố cơ sở dữ liệu xếp hạng pin giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm nếu tập trung vào tính năng pin. Được phát hiện qua Android Authority, cơ sở dữ liệu này chứa thông tin về nhiều mẫu smartphone hàng đầu, bao gồm thời lượng pin, khả năng chống nước và khả năng chống rơi.

Galaxy S25 có tuổi thọ pin chịu đến 2.000 chu kỳ sạc.
Việc tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu “Nhãn năng lượng” của Cơ quan đăng ký sản phẩm Châu Âu không hề đơn giản khi người dùng cần có số nhận dạng kiểu máy của điện thoại thay vì chỉ nhập tên sản phẩm như “Google Pixel 9a”. Tuy nhiên, khi đã có số đó, người dùng có thể so sánh các thông số kỹ thuật của điện thoại một cách dễ dàng.
Trong cuộc cạnh tranh giữa Samsung và Apple, báo cáo từ TechRadar ghi nhận xếp hạng pin của 2 mẫu điện thoại hàng đầu: iPhone 16 Pro Max và Galaxy S25 Ultra. Kết quả cho thấy Galaxy S25 Ultra được đánh giá có số chu kỳ sạc pin gấp đôi so với iPhone, với 2.000 chu kỳ so với 1.000 chu kỳ của iPhone 16 Pro Max, tức cao gấp đôi. Điều này có thể mang lại lợi thế cho Samsung về tổng số lần sạc.

Con số được Samsung đưa ra vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi xem xét “thời lượng pin mỗi chu kỳ”, Galaxy S25 Ultra chỉ đạt dưới 45 giờ, trong khi iPhone 16 Pro Max có thời gian sử dụng lên đến 48 giờ. Điều này có nghĩa là iPhone có thể kéo dài hơn một chút cho mỗi lần sạc, mặc dù Galaxy S25 Ultra có tổng số chu kỳ sạc nhiều hơn.
Ngoài ra, khi xem xét các điện thoại phổ biến khác, OnePlus 13 nổi bật với thời gian sạc dài nhất mỗi chu kỳ, đạt 61 giờ 36 phút, trong khi iPhone 16 Pro đứng cuối bảng với 37 giờ. Cả hai đều được đánh giá có thể sạc được 1.000 chu kỳ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tổng số chu kỳ sạc không phải là số lần pin có thể sử dụng trước khi hết, mà là số lần sạc đầy cho đến khi hiệu suất của điện thoại bắt đầu giảm sút, tức pin sạc từ 0% đến 100%. Do đó, những con số này không hoàn toàn phản ánh vòng đời chung của điện thoại.

Dữ liệu mang đến cái nhìn tốt hơn để người dùng đánh giá tuổi thọ pin của máy.
Về độ tin cậy của thông tin, dữ liệu này chủ yếu dựa vào tự báo cáo, điều này có thể dẫn đến những sai lệch. Tuy nhiên, EU đã đặt ra các quy định về cách đo độ bền của pin nên ít nhiều dữ liệu này có thể giúp tăng cường độ tin cậy của các con số này.
Cuối cùng, khi quyết định mua điện thoại, người dùng nên xem xét nhiều yếu tố khác ngoài khả năng của pin, như chip, camera, phần mềm và độ bền. Tuy nhiên, nếu coi trọng tuổi thọ pin, cơ sở dữ liệu của EU có thể là một nguồn tài nguyên hữu ích.