Samsung Việt Nam nỗ lực chuyển đổi xanh với các dự án điện mặt trời
Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là xu hướng chung mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng ưu tiên năng lượng xanh nhằm góp phần giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính.
Ngành công nghiệp và áp lực tiêu thụ năng lượng
Ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên toàn cầu. Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Nhu cầu điện năng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 10-12% mỗi năm đến năm 2030, theo Viện Năng lượng Việt Nam (IEV). Các khảo sát cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá vào khoảng từ 20 - 30%.
Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Các doanh nghiệp lớn như Samsung, với vai trò là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, đang nỗ lực trong việc áp dụng các giải pháp năng lượng bền vững, góp phần định hình tương lai xanh cho ngành công nghiệp.

Nhiều hoạt động hưởng ứng ngày nước thế giới được các đơn vị Samsung Việt Nam tích cực triển khai
Samsung và nỗ lực chuyển đổi xanh
Samsung Việt Nam đã và đang thực hiện các bước đi chiến lược để tích hợp năng lượng tái tạo vào chuỗi sản xuất. Cuối tháng 4 vừa rồi, doanh nghiệp này vừa liên tiếp khởi công 2 dự án năng lượng mặt trời áp mái được triển khai tại nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh và nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại Tp. HCM.
Dự án năng lượng mặt trời áp mái tại SEV có công suất 2.38 MWp, dự kiến sản xuất lượng điện sạch tương đương 2.59 triệu kWh mỗi năm và giúp giảm phát thải khoảng 2.460 tấn CO₂. Dự án Năng lượng Mặt trời Mái nhà tại SEHC được thiết kế với công suất gần 28 MWp, là một trong các dự án lớn nhất ở Việt Nam về điện mặt trời áp mái, thể hiện quyết tâm của Samsung trong việc chuyển đổi năng lượng. Dự án tạo ra hơn 40,000 megawatt-giờ điện mỗi năm, giảm phát thải hơn 26.000 tấn CO₂.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp khác tại Việt Nam đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ đó hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và giảm phát thải
Ngoài các dự án năng lượng mặt trời đang được tích cực thực hiện, Samsung Việt Nam còn triển khai nhiều sáng kiến khác, đồng bộ với các định hướng của Chính phủ về kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Lễ khởi công dự án điện mặt trời mái nhà tại SEHC
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các nhà máy của Samsung tại Việt Nam luôn coi an toàn môi trường là Nguyên tắc số 1 trong sản xuất kinh doanh, đồng thời không ngừng tìm kiếm và áp dụng các chiến lược và ý tưởng đổi mới về an toàn môi trường.
Hàng năm, Samsung tổ chức Đại hội An toàn môi trường nhằm tạo cơ hội để các nhà máy Samsung tại Việt Nam và các nhà máy Samsung toàn cầu, các nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung Việt Nam cùng chia sẻ về những điển hình đổi mới an toàn môi trường cũng như khả năng áp dụng các chiến lược, ý tưởng vào thực tế.
Samsung cũng nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước thông qua nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày nước Thế giới như: Làm sạch các khu vực trọng điểm liên quan đến nước nằm cạnh các nhà máy của Samsung và địa phương; Trao tặng máy lọc nước, thùng đựng rác; tổ chức đào tạo về bảo tồn nguồn nước và phát nước sạch cho hàng nghìn em học sinh; Thực hiện các dự án hoàn nguyên tài nguyên nước tại nhiều địa phương ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, Kiên Giang…
Bên cạnh đó, Samsung còn tích cực triển khai các hoạt động vì cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giáo dục về phát triển bền vững cho thế hệ trẻ. Chẳng hạn như cuộc thi Samsung Solve for được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích các em học sinh ứng dụng kiến thức giáo dục STEM để giải quyết các vấn đề của địa phương và xã hội. Năm 2025, các chủ đề của cuộc thi này đều tập trung vào phát triển bền vững…
Những nỗ lực này không chỉ giúp Samsung tiến gần hơn đến mục tiêu net-zero vào năm 2050 mà còn tạo ra một mô hình mẫu cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Ông Na Ki Hong, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Là doanh nghiệp có quy mô toàn cầu, Samsung ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng nơi mình hoạt động. Hai dự án điện mặt trời tại SEV và SEHC là bước khởi đầu trong chiến lược xanh hóa và phát triển bền vững của Samsung tại Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cũng như kiến tạo một tương lai xanh hơn cho thế hệ sau”.

Lễ khởi công dự án điện mặt trời tại SEV
“Không dừng lại ở đó, Samsung Việt Nam cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2027, sớm hơn 3 năm so với cam kết toàn cầu của tập đoàn Samsung trong khuôn khổ sáng kiến RE100.” ông Na Ki Hong cho biết thêm.
Theo McKinsey, một lộ trình năng lượng tái tạo mạnh mẽ tại Việt Nam có thể tiết kiệm 10% chi phí điện, giảm 1,1 tỷ tấn khí thải nhà kính và giảm 0,6 triệu tấn bụi mịn vào năm 2030. Việc áp dụng năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn có ý nghĩa kinh tế và xã hội sâu rộng. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và áp lực giảm phát thải ngày càng lớn, Samsung đang chứng minh rằng chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để dẫn đầu trong một nền kinh tế bền vững. Với các dự án điện mặt trời, Samsung không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của Việt Nam, từng bước đưa quốc gia này tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của châu Á.