Sân bay Liên Khương - Lâm Đồng chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế từ 22/6/2024
Cảng hàng không Liên Khương được phép phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại tàu bay tư nhân, các loại tàu bay quân sự và các loại tàu bay khác.
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 758/QĐ – BGTVT về việc công bố chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
Theo đó, Bộ GTVT công bố chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương và được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 07h01’ ngày 22/6/2024.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có hệ tọa độ (WGS-84), vĩ độ: 11°45’12.09’’N, kinh độ: 108°22’04.81’’E; đường cất hạ cánh 09/27 kích thước 3250m x 45m (dài x rộng); kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải PCN = 47/F/C/X/T; đáp ứng khai thác: Chủng loại tàu bay Code D như tàu bay B757, A300 và tương đương trở xuống có chỉ số ACNmax/ACRmax nhỏ hơn chỉ số PCN/PCR của đường cất hạ cánh được công bố.
Đây là loại hình cảng hàng không, sân bay phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại tàu bay tư nhân, các loại tàu bay quân sự và các loại tàu bay khác khi được các cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có cấp sân bay 4D theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác tại Cảng hàng không Liên Khương là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27.
Đối với hệ thống đường cất hạ cánh, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.250 m x 45 m, lề vật liệu rộng 7,5 m.
Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây (đầu 09) thêm 350 m lên thành 3.600 m x 45 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 21 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn Cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hàng hóa, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch nhà ga hàng hóa và sân đỗ trên khu đất phía Đông khu hàng không dân dụng, diện tích khoảng 23.300 m2 , đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm.