Săn bống sao ở Mỏ Ó

Dưới những tán rừng bán ngập ở vùng biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), hàng chục ngư dân trầm mình trong lớp bùn nhão để kiếm tìm sinh kế - săn cá bống sao. Trước đây bống sao ít được để ý vì không mang lại nhiều giá trị kinh tế như các loại thủy sản khác. Nhưng gần đây bống sao trở thành đặc sản, giúp ngư dân có thu nhập mỗi ngày.

Những ngư dân săn cá bống sao ở Mỏ Ó.

Những ngư dân săn cá bống sao ở Mỏ Ó.

Mưu sinh giữa hai con triều

Vùng biển dài khoảng 5 cây số từ cửa sông Mỹ Thanh cho tới gần cửa sông Trần Đề, biển Mỏ Ó nằm trên địa phận của xã Lịch Hội Thượng và Trung Bình (huyện Trần Đề), là nơi mưu sinh của ngư dân với rất nhiều nghề biển khác nhau. Trong đó có những ngư dân săn cá bống sao, một nghề vừa quen vừa lạ với người dân miền Tây. Quen bởi cá bống sao là loài thủy sản phổ biến, xuất hiện ở nhiều vùng cửa sông nước lợ dọc chiều dài mấy trăm cây số biển miền Tây Nam bộ. Lạ vì bởi ít nơi ngư dân coi đây là một nghề chính. Do loài cá nhỏ bé này khó đánh bắt, sinh sống thưa thớt, không theo đàn. Nhưng riêng vùng biển Mỏ Ó thì lại khác.

Anh Trần Văn Mấy, 35 tuổi ngụ ở xã Lịch Hội Thượng kể: Cá bống sao vùng này rất nhiều, lại mập nữa. “Chúng thường cư ngụ trong những hang sâu ở các hố bùn hay gốc cây bần, cây đước ngập mặn. Muốn bắt cá cách duy nhất là thọc tay vào hang để bắt. Công việc vừa đơn giản, vừa khó khăn. Bởi nếu hang nông thì đưa tay vào là tóm được cá còn hang sâu phải trườn mình trong bùn để bắt chúng. Điều may mắn là những hang sâu thường có nhiều cá to hơn. Nhưng mỗi ngày ngư dân chỉ có khoảng 4 giờ đồng hồ để bắt cá bống bởi nước triều lên ngập”, anh Mấy kể.

Khi nước triều xuống ngư dân bắt đầu săn bống sao.

Khi nước triều xuống ngư dân bắt đầu săn bống sao.

Săn cá bống cũng lắm gian nan vì phải trông vào thủy triều. Vào buổi sáng (từ 6 giờ) nước triều bắt đầu xuống. Và tới 12 giờ trưa thì nước triều lên trở lại. Nhưng với những thợ săn bống sao, thời gian của họ ít ỏi hơn vì chừng 8 giờ sáng nước mới cạn, bùn lầy nhô lên để đi bắt cá. Theo quan sát của chúng tôi, nhóm anh Mấy có 3 người, đều sinh sống gần nhau và cũng thường đi săn cá bống cùng nhau. Sau khi ăn vội bữa sáng với 3 hộp cơm tấm mang theo, cả ba bắt đầu buộc lại chiếc thùng nhựa, dựng xe máy vào sát lề đường rồi lội xuống vùng bùn nhão. Họ bắt đầu bước đi khá thuần thục nhưng chậm, mỗi người theo một hướng khác nhau. Lâu lâu họ cúi xuống gập sát người vào mặt bùn, vục tay xuống bùn. Sau đó, một chú cá bống sao chừng ngón tay cái được bắt lên, bỏ vào thùng nhựa. “Giờ cá bống sao có giá lắm, bán ngoài thị trấn Trần Đề là 140.000 đồng/ký lô đó. Anh em chúng tôi lội bùn, trầm mình như thế này thường chỉ bắt được 2-3 ký lô cá. Tầm trưa nắng gắt là thủy triều dâng lên rồi. Cá bống trong hang bán có giá hơn cá bống câu vì chúng sống khỏe. Thương lái họ mua xong bỏ vô thùng nhựa bơm ô xy mang tới TPHCM hay Cần Thơ cá vẫn sống. Ngày xưa ở chợ Lịch Hội hay Trần Đề người ta bán cá bống sao nhiều lắm. Giá rẻ mà dễ ăn, đem về kho tiêu hay kho khô đều được. Giờ giá cá mắc nên người ta đem lên thành phố bán chứ ở đây ít người mua lắm”, anh Mấy kể thêm.

Kể về công việc hàng ngày của mình, anh Du, một thợ săn cá bống sao cho biết: Lội bùn rất vất vả, người yếu không di chuyển được. Bình thường nhóm của anh mỗi ngày di chuyển khoảng 4-5 cây số trong bùn. “Mình quan sát các hố nước để tìm cá bống sao. Không phải hố nào cũng có bống đâu. Nhưng có hố lại có bạch tuộc, thòi lòi, hay cua biển. Tôi mới đi theo anh Mấy săn cá chừng 2 năm nay thôi. Trước kia làm lái xe ba gác trên Bình Dương. Hồi dịch bệnh Covid-19 về quê rồi ở lại luôn. Ở quê kiếm ngày 200-300 trăm ngàn dễ sống hơn trên thành phố mà bọn trẻ đi học cũng tiện hơn nữa”, anh Du chia sẻ.

Cá bống sao vừa bắt khỏi hang.

Cá bống sao vừa bắt khỏi hang.

Ngư trường trăm năm

Vùng biển Mỏ Ó kéo dài khoảng vài cây số, nằm ven cửa sông Mỹ Thanh được coi là vùng biển đẹp của dải đất miền Tây Nam bộ, đón hàng ngàn lượt khách du lịch. Nhưng đây cũng là ngư trường lâu đời, thậm chí suốt hàng trăm năm qua là nơi mưu sinh của nhiều thế hệ người dân trong vùng. Với đặc thù là các bãi bùn lầy kéo dài cả cây số từ rừng ra biển, những hàng cây bán ngập, nước từ cửa sông… đã tạo cho hệ sinh thái biển Mỏ Ó vô cùng đa dạng và trù phú. Thực tế, những ngư dân như anh Mấy, anh Du đang bắt cá bống sao chỉ là một trong nhiều ngư dân mưu sinh nhờ vào vùng biển này. Bởi khi thủy triều lên, nước ngập là lúc những ngư dân làm nghề câu cá ngát, cá bông lau bắt đầu cuộc mưu sinh. Khác với các ngư dân bắt cá bống sao mong thủy triều rút càng sâu thì càng nhiều cá, những người đi câu thường muốn nước triều dâng lên cao. Nước dâng càng cao, những đàn cá ngát ngoài biển vào kiếm ăn càng nhiều. Ngoài ra, cũng ở vùng biển Mỏ Ó này, nhiều ngư dân còn làm nghề trượt mong, một nghề có từ trăm năm nay của người Khmer và giờ chỉ có ở Mỏ Ó và biển Cầu Ngang (Trà Vinh) là còn duy trì. Xa hơn một chút, cũng ở vùng Mỏ Ó là những ngư dân đặt lưới đăng, lưới cửa ngục để bẫy cá, bạch tuộc. Cũng như những ngư dân khác, họ đặt ngư cụ ở nơi thủy triều lên và xuống, lợi dụng dòng chảy của thủy triều để dụ cá vào ngư cụ. Những người làm nghề này phải đầu tư ngư cụ, ghe hoặc mong ván, nhưng bù lại có thể bắt được nhiều loại cá lớn hơn những ngư dân săn cá bống sao, cá ngát.

Cá bống sao xuất hiện ở nhiều vùng cửa biển miền Tây Nam bộ nhưng chỉ có vùng Mỏ Ó mới có những ngư dân chuyên làm nghề săn cá bống sao. Ngoài nhóm người của anh Mấy, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều nhóm khác, thường từ 2-4 người, chủ yếu là đồng bào người Khmer sinh sống trong vùng đi săn cá. Bãi biển kéo dài và rộng khiến nơi đây thành thế giới mưu sinh bao bọc cho rất nhiều người. Được biết, ngoài cá bống sao, những ngư dân ở vùng biển Mỏ Ó còn săn bắt cá bống đen (còn gọi là bống dừa). Cá bống đen giá bán chỉ bằng một nửa cá bống sao. Tuy nhiên, cá bống đen lại lớn hơn, có con nặng tới gần ký lô. Một số ngư dân ở đây cho biết cá bống đen xuất hiện nhiều khu vực ven cửa sông Mỹ Thanh, sông Trần Đề. Khác với bống sao, cá bống đen được đánh bắt bằng cách đặt bẫy (thường là lợp, lưới) vì chúng không chui vào hang như bống sao.

Nhìn những ngư dân lặng lẽ lội trong bùn sâu, bên cạnh tua tủa những nhánh cây ngập mặn vươn lên mới thấy cuộc mưu sinh không dễ dàng. Nhưng họ lại cảm thấy may mắn với cuộc sống, với niềm vui là những con cá bống sao nhỏ bé.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-bong-sao-o-mo-o-5714558.html