Sân Bung Karno của Indonesia đáng sợ tới mức nào?

Sân Bung Karno trước đây có tên là Senayan nằm trong quần thể khu liên hợp thể thao Senayan.

Sân Bung Karno trước đây có tên là Senayan nằm trong quần thể khu liên hợp thể thao Senayan. Sân được hoàn thành năm 1962 để phục vụ Đại hội thể thao châu Á 1962 với sức chứa ban đầu là 110.000 chỗ ngồi. Sau hai lần cải tạo sân được đổi tên thành Bung Karno và sức chứa rút lại còn khoảng 80.000 chỗ.

Năm 1963, sân Senayan được đưa vào tổ chức GANEFO đầu tiên với 2.700 VĐV từ 51 quốc gia. Chính ông Văn Sỹ Chi, cha của cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng, khi sinh thời kể lại ông cùng các thế hệ cầu thủ miền Bắc dự GANEFO 1963 trên cái sân đấy. Và ông cũng không ngờ rằng 34 năm sau, con trai ông khoác áo đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân đấy và ghi hai bàn vào lưới Indonesia.

 CĐV Indonesia trên sân Bung Karno. Ảnh: PSSI

CĐV Indonesia trên sân Bung Karno. Ảnh: PSSI

Đó là trận hòa 2-2 tại SEA Games 19 - 1997 và trận hòa đó khiến các cổ động viên (CĐV) Indonesia điên tiết ném vật lạ xuống sân và một số kẻ ác ý nhắm vào khu vực báo chí Việt Nam làm việc. SEA Games đấy chính cố nhà báo Minh Hùng khi hành nghề đã phải chui dưới gầm bàn để tránh mưa chai và mưa giày dép từ trên khán đài ném xuống. Nhà báo Minh Hùng sau đó đã cầm cả chai nước và chiếc giày còn mới của một CĐV quá khích ném làm bằng chứng với ban tổ chức. Ông nói nếu không kịp trốn dưới gầm bàn thì không biết ông sẽ thế nào bởi lực ném rất mạnh làm hư cả màn hình máy tính của ông.

Cũng tại SEA Games 19 đấy, khi đội tuyển Việt Nam đá trận tranh HCĐ với Singapore thì quanh các khán đài, những CĐV Indonesia hò hét với chiêng trống tạo nên âm thanh rất quái. Cùng với tiếng nhạc, tiếng trống đấy nhiều CĐV cùng nhau ôm các cọc sắt trụ hàng rào lưới lắc mạnh theo nhịp điệu cho đến khi kết thúc trận tranh HCĐ thì cũng là những mảng bê tông quanh cọc sắt bể ra.

Dưới hàng rào sắt là thế còn trên khán đài thì những thanh gỗ từ hàng ghế (sân lúc đó nhiều khán đài chưa làm ghế riêng) bị nạy bung ra rồi chất lại đốt.

Vì sân quá rộng và lực lượng CĐV quá khích quá đông trong khi lực lương bảo vệ rất ít nên không thể cản được các CĐV gây náo loạn. Trên khán đài nhiều đám cháy trong khi gạch đá bung ra từ bê tông cứ thế bị các CĐV nhặt lấy và ném vô tội vạ xuống sân.

Nạn nhân bị nặng nhất khi ấy là một PV Thái Lan (trận chung kết diễn ra giữa Indonesia và Thái Lan) bị cả một viên gạch vào đầu đổ máu và ngất trên sân khiến ban tổ chức phải khiêng ra xe cứu thương chở đi cấp cứu.

Mọi thứ còn diễn ra tệ hại hơn khi trận chung kết đó Indonesia thua trên chấm luân lưu và các CĐV Indonesia tràn ra quanh khu liên hợp lật đổ cả xe làm nhiệm vụ và đập phá. Đó là một trong những SEA Games tệ hại nhất, đặc biệt trong khâu tổ chức khi ban tổ chức không lường hết được mọi việc xấu xảy ra từ những CĐV Indonesia.

Mọi người cứ chê trách Senayan hồi đó và Bung Karno bây giờ tệ hại là nơi đi dễ khó về nhưng cái chính là do công tác tổ chức và ý thức của các CĐV mà Indonesia rất hay bị AFC lẫn FIFA phạt vì sự quá khích dẫn đến phá hoại.

NGUYỄN HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-bung-karno-cua-indonesia-dang-so-toi-muc-nao-post781566.html