Săn đặc sản mùa nước nổi
Những ngày đầu tháng 8, mưa liên tục cùng nước từ thượng nguồn đổ về, nhiều sông ngòi, kênh rạch ở khu vực biên giới Vĩnh Hưng, Tân Hưng (tỉnh Long An) hay Tân Hồng, Hồng Ngự… (tỉnh Đồng Tháp) nước đã dâng lên mấp mé bờ. Dù sản vật chưa nhiều nhưng do giá cao, người dân dễ dàng kiếm thêm thu nhập nhờ săn bắt cá linh non, cua cá, ốc ếch...
Mùa thu hoạch từ thượng nguồn
Mặc dù cư ngụ ở dưới thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nhưng gần 2 tuần lại đây, ông Nguyễn Văn Tính (41 tuổi) cùng vợ và con trai lên cánh đồng khu vực sông Sở Hạ, Sở Thượng (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) để đổ dớn, săn bắt sản vật đầu mùa nước nổi. “Gia đình tôi ở dưới Cai Lậy nhưng phía nhà vợ thì ở trên này. Mùa nước nổi năm nào cũng lên ở nhờ cậu em vợ để đi đổ cá. Năm nay nước nổi về sớm và cao hơn năm ngoái. Mới đầu tháng 8 mà nước đã bò tới cọc tràm sau nhà rồi. Tháng sau có thể nước sẽ tới cái lu nước đằng kia” - ông Tính cho biết.
Theo ông Tính, để chuẩn bị cho mùa nước năm nay, ông đã đầu tư 17 triệu đồng để thay đầu máy đuôi tôm, mua lưới, cọc để đóng dớn. “Mùa nước nổi giờ ngắn lắm. Đầu mùa chỉ có cá linh non là giá cao. Nhà tôi đóng cọc dớn ở trên đồng bên kênh Sở Hạ, kênh Thống Nhất. Cả thảy 21 tay dớn. Bây giờ ngày đổ hai lần, có hôm trời mưa thì đổ ba lần” - ông Tính chia sẻ.
Cạnh đó, chị Trần Thị Mến, vợ anh Tính tay thoăn thoắt lọc từng loại cá cho biết, mới đầu mùa nước nổi nên chưa có nhiều sản vật, mỗi đợt đổ hết các tay dớn chỉ được chừng 5-7 kg cá các loại. “Mỗi ngày vợ chồng em kiếm được chừng gần 20kg cá các loại. Cá đầu mùa nên giá chênh nhau lắm. Như cá linh non loại 1 (nhỏ như đầu đũa) bán được hơn 200.000 đồng/kg, cá linh bự hơn chút đỉnh thì 150.000 -180.000 đồng/kg. Nếu chạy ra bến đò trên quốc lộ thì giá cao hơn được chút đỉnh. Nhưng mỗi ngày chỉ được 2-3 kg cá linh. Còn lại là cá chốt, cá lăng, cá he, cá heo. Mấy bữa nay đổ giấc tối thì có thêm được lóc đồng, rắn đồng nữa, bán cũng thêm chút ít. Ngày nhiều thì kiếm hơn triệu đồng, ngày ít thì chỉ bảy, tám trăm nghìn đồng. Nước như vầy chừng cuối tháng thì sản vật mới nhiều” - chị Mến nói.
Đặc sản về thành phố
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có hàng chục ghe thuyền của người dân đang hối hả với công việc thả lưới, đổ dớn, thả câu, đặt lọp. Trên các cánh đồng, nước chưa tràn bờ nhưng cũng đầy ăm ắp, các tay dớn tua tủa vươn lên trong màu nước đỏ đục ngầu đặc trưng của thời gian đầu mùa nước nổi. Cách đó chừng 15km, nhiều ghe thuyền của ngư dân tấp nập ra vào. Nơi đây cũng nằm trên trục đường chính nối hai tỉnh Long An và Đồng Tháp nên thương lái tụ tập về để thu mua các sản vật mùa nước nổi. Hầu hết người dân chạy ghe trong đồng, men theo nhánh kênh ra đây. Sau khi mua, thương lái đem lên xe tải chở về các thành phố lớn như Cao Lãnh, Cần Thơ hay TPHCM.
“Mỗi ngày tôi gom một xe hàng đưa lên chợ Bình Điền (quận 8, TPHCM) cho bạn hàng. Cá trắng thì mình ướp đá, cá đen thì cho vào thùng nhựa nhúng ô xy, lên trên thành phố vẫn còn sống. Tôi ở dưới Hồng Ngự nhưng từ 4 giờ sáng đã có mặt ở đây rồi. Gom hàng tới 8-9 giờ sáng là xe chạy. Lên tới thành phố chủ yếu để bán cho khách đi chợ chiều” - chị Nguyễn Thị Bé, một tiểu thương cho biết. Theo chị Bé, bây giờ hầu hết các sản vật mùa nước nổi đặc trưng đều được nhân giống, nuôi trong ao hồ, kể cả cá linh và cá heo, 2 loại sản vật ngon và đắt đỏ nhất mùa nước nổi. Vì thế, để không bị lẫn lộn giữa sản vật tự nhiên và do người nuôi, những bạn hàng trên thành phố phải chọn lựa kỹ, chủ yếu thông qua những thương lái làm nghề lâu năm như chị. “Tôi thu mua sản vật nhiều năm nay rồi nên mình phải giữ uy tín với bạn hàng. Cùng là con cá linh nhưng cá nuôi khác với cá thiên nhiên. Cá linh thiên nhiên thì xương mềm, thịt ngọt lắm. Còn cá nuôi thì bự hơn, xương và đầu rất cứng, màu ở sống lưng cũng đậm hơn chút đỉnh. Nhưng phải dân trong nghề mới biết được thôi” - chị Bé nói.
Mùa nước nổi là mùa đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bắt đầu từ tháng 8, mưa sẽ khiến mực nước ở khu vực dâng lên trong khi nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bên phía Campuchia tràn về cũng mang theo một lượng lớn thủy sản, kéo theo một mùa đánh bắt của người dân. Thường thì đầu mùa nước nổi, người dân khu vực thượng nguồn biên giới như Long An, Đồng Tháp, An Giang… sẽ có cơ hội đánh bắt hải sản trước. Nước nổi sau đó tràn xuống các tỉnh hạ nguồn, rồi đi ra biển nhưng trữ lượng hải sản sẽ ít đi.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-dac-san-mua-nuoc-noi-10287692.html