San hô phục hồi nhanh hơn trên các cấu trúc nhân tạo
Các cấu trúc nhân tạo như đê chắn sóng bằng bê tông để bảo vệ bờ biển dường như cung cấp giải pháp khắc phục nhanh hơn so với các rạn san hô tự nhiên trong các trường hợp san hô bị tàn phá do hiện tượng tẩy trắng.

Rạn san hô ở ngoài khơi bang Queensland, Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là kết luận của các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu về cách biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đáy biển và đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Scientific Reports.
Tẩy trắng là tình trạng san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng cao. Các đợt tẩy trắng nghiêm trọng hoặc thường xuyên có thể giết chết các hệ sinh thái dưới nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, khác với các nghiên cứu trước đây vốn chỉ kéo dài khoảng 10 năm, nhóm nghiên cứu lần này, gồm các thành viên của Viện nghiên cứu cảng và sân bay (PARI) và các đơn vị khác, đã phân tích dữ liệu thực địa trong 29 năm (1989 - 2018) tại khu vực cảng Naha, tỉnh Okinawa. Dữ liệu bao gồm cả các rạn san hô tự nhiên và 3 đê chắn sóng nhân tạo.
Sau đợt tẩy trắng nghiêm trọng tại vùng nước xung quanh cảng nói trên vào năm 1998, các nhà khoa học phát hiện tỷ lệ san hô bao phủ đáy biển tại các rạn san hô tự nhiên chỉ đạt 5,2% vào năm 2001 và giảm còn 5% vào năm 2004. Thế nhưng, khi kiểm tra các đê chắn sóng, các nhà khoa học nhận thấy san hô phục hồi nhanh hơn khi tỷ lệ nói trên đạt 8,8% vào năm 2001 và tăng mạnh lên 25% vào năm 2004. Hơn nữa, tỷ lệ che phủ vẫn ở mức cao trong những năm tiếp theo.
Các nhà khoa học nhận định yếu tố góp phần vào sự phục hồi nhanh của san hô là các rãnh và bề mặt gồ ghề trên cấu trúc nhân tạo – nơi tạo điều kiện thuận lợi để san hô bám vào. Ngoài ra, các vị trí tiếp xúc nhiều với ánh sáng Mặt Trời và sóng mạnh, đặc trưng của đê chắn sóng, cũng phù hợp với các loài san hô sinh trưởng nhanh như Acropora. Ngược lại, ở các rạn san hô tự nhiên, các loài phát triển chậm hơn như Porites và họ Faviidae chiếm ưu thế, khiến quá trình phục hồi diễn ra chậm hơn.
Một phần đê chắn sóng được điều chỉnh để đáp ứng các điều kiện lý tưởng cho san hô đã ghi nhận mức bao phủ tăng tới 40%. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng các công trình này không được xây dựng để phục vụ san hô mà nhằm phòng chống xói mòn bờ biển.
Nhà nghiên cứu cao cấp Toko Tanaya của PARI, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết các phát hiện nói trên mở ra hướng đi mới trong việc nghiên cứu và ứng dụng các cấu trúc nhân tạo hỗ trợ san hô. Nhà khoa học này cảnh báo rằng biến đổi khí hậu khiến tình trạng tẩy trắng san hô diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây, đến mức san hô không còn đủ thời gian để phục hồi trước khi xảy ra đợt tẩy trắng tiếp theo. Khi san hô chết, các bộ xương đá vôi có thể bị tảo và sinh vật khác bao phủ, dẫn tới sụp đổ cấu trúc, làm mất nơi cư trú tiềm năng cho các ấu trùng san hô mới.
Khi lưu ý rằng các đê chắn sóng và các biện pháp phòng chống xói mòn bờ biển tương tự không được xây dựng vì lợi ích của san hô, nhà nghiên cứu này cho rằng nếu có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp trong quá trình xây dựng hoặc tu sửa đê chắn sóng thì những công trình nhân tạo này có thể góp phần tạo ra môi trường lý tưởng cho sự phục hồi và phát triển của san hô trong tương lai.