Sân khấu vẫn thiếu sinh khí
Việc các loại hình sân khấu truyền thống 'đỏ mắt' tìm khán giả không phải chuyện mới, nhưng đáng tiếc đã kéo dài quá lâu. Điều gì khiến sân khấu truyền thống rơi vào cảnh 'chợ chiều'?
Tiến sĩ Trần Đình Ngôn - nguyên Viện trưởng Viện sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội từng bộc bạch: “Trước hết hãy nhìn nhận thẳng thắn đó là lỗi của chính chúng ta. Và cũng phải biết chấp nhận tất cả những thử thách khi sân khấu truyền thống lúc thăng, lúc trầm”. Nhưng quả là thời gian trầm đã kéo dài quá lâu.
Lỗi nhịp và khó thanh xuân hóa đội ngũ
Ông Ngôn cũng cho rằng, một trong những lý do căn bản nhất khiến sân khấu truyền thống ngày càng vắng người xem là do loại hình nghệ thuật này đang lỗi nhịp với đời sống hiện tại. Những tích tuồng cũ được khôi phục lại, những kịch bản mới vừa công diễn đã nguội lạnh. Nói cách khác, việc khai thác đề tài của sân khấu truyền thống đang đi chậm hơn so với nhu cầu thưởng thức và tư duy của người xem hôm nay.
Có một thực tế là sân khấu truyền thống thiếu kịch bản bởi người viết quá ít, cũng thiếu diễn viên trẻ để thanh xuân hóa đội ngũ. 5 năm trở lại đây, các nhà hát truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương) đều trong tình trạng không tuyển được diễn viên trẻ. Bên cạnh việc ít chỉ tiêu tuyển dụng thì còn cả chuyện không có người dự tuyển.
Kỳ tuyển sinh năm học 2023 - 2024, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế tuyển được 142 thí sinh ở 9 ngành đào tạo. Con số tuy khiêm tốn, nhưng theo ông Nguyễn Văn Mãi - Hiệu trưởng nhà trường thì đó là tín hiệu vui giữa bối cảnh tuyển sinh vô cùng khó khăn. “5 năm trở lại đây, con số tuyển sinh chưa bao giờ vượt con số 100” - ông Mãi cho biết.
Thu nhập là nguyên nhân chính, nhưng điều khiến người trẻ không tha thiết học nghệ thuật truyền thống còn vì rất khó kiếm việc làm.
Nhìn vào các thế hệ đi trước hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, lớp trẻ không khỏi ngại ngần. Trong số những diễn viên, nhạc công của Nhà hát Tuồng Việt Nam có nhiều người là NSND, NSƯT, nhưng trong số đó nhiều người chỉ là trung cấp nên lương rất thấp. “Cả đời phấn đấu, cống hiến mới được phong NSND, NSƯT, nhưng lương thấp thế thì ai người ta vào” - ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát cảm thán, đồng thời cho rằng nhân lực tốt bổ sung không có thì làm sao mà giữ, mà bảo tồn được nghề.
Lo ngại thất truyền
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, tham luận, chủ trương chính sách nhưng tới nay hiệu quả chưa được như mong muốn. Sân khấu truyền thống vẫn thiếu sinh khí, các nhà hát vẫn phải “đỏ mắt” tìm khán giả. NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) nhấn mạnh, ngành nghề nào cũng từ yếu tố con người. Nhưng bây giờ nếu không đào tạo được thì dần dần lớp nghệ sĩ lớn tuổi, nghệ thuật truyền thống sẽ bị thất truyền.
Về mức lương, nhiều người so sánh một nhân viên bảo vệ ở doanh nghiệp được từ 6-8 triệu đồng/tháng, trong khi diễn viên trẻ mất tới 4-5 năm học đại học nhưng khi đi làm cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng, lại không có nhà ở tập thể, phải bỏ tiền ra thuê ở ngoài.
Với cải lương, NSND Bạch Tuyết cho rằng, tương lai của Cải lương là giới trẻ. Cải lương có tồn tại hay không cũng nhờ vào lớp trẻ. Nhưng giới trẻ đang “quay lưng”.
Nghệ sĩ Kim Tử Long còn cho biết, đầu tư lớn cho một vở diễn, nhưng chỉ tham gia hội diễn rồi “cất kho” vì giá thuê rạp quá cao. Muốn không lỗ thì phải bán vé giá cao, cả triệu đồng/vé thì làm sao có khán giả?
Đâu là giải pháp?
Chủ trương là rất quan trọng, nhưng rõ hơn phải là những giải pháp cụ thể. Theo NSND Tống Toàn Thắng (Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam), cần có cơ chế đặc thù cho hoạt động biểu diễn, trong đó có xiếc. Ông Thắng cho biết, do yêu cầu của nghề, đội ngũ diễn viên lớn tuổi (nam 45 tuổi, nữ 40 tuổi) sau một thời gian cống hiến, gân cốt bắt đầu rã rời, tỷ lệ mắc bệnh xương khớp, cơ bắp, gân, dây chằng, loãng xương rất cao do trong thời gian dài phải tập luyện và biểu diễn các tiết mục nhào lộn trên cao, đu dây trên không trung vốn rất nguy hiểm, với đu bay, đu quăng, nhào lộn trên sào, cầu bật… Chưa nói đến tai nạn nghề nghiệp rình rập.
Vì thế, phải có cơ chế riêng cho nghệ sĩ biểu diễn ở các nhà hát. Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), cần hoàn thiện chính sách vĩ mô và vi mô. Bên cạnh đó, các nhà hát cũng cần xây dựng những quy chế/văn bản nội bộ cụ thể làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện những hoạt động của nhà hát, đặc biệt những quy định về ngân sách, nhân sự. Đồng thời xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhà hát nói chung và sân khấu truyền thống nói riêng đang cần cơ chế đặc thù, ưu tiên. Trong đó không thể không có chế độ hỗ trợ đào tạo diễn viên, nhạc công trẻ tại các cơ sở đào tạo và tại chính các nhà hát; chế độ tiền lương; được hưởng thêm ngoài lương phụ cấp nghề nghiệp ngoài lương...
Công nghệ phát triển, các loại hình giải trí nở rộ, nghệ thuật truyền thống giảm sức hút. Dù muốn dù không thì nghệ sĩ phải chấp nhận cơ chế thị trường. Khán giả trẻ chuyển nhu cầu giải trí sang các nền tảng trực tuyến, như YouTube, TikTok... Nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần chuyển mình để thích ứng. Ví dụ, với cải lương, vở diễn dài 3 giờ cần rút lại trên dưới 60 phút. Trên YouTube có thể làm những bản đờn ca tài tử, vọng cổ, ca lẻ... Như vậy mới hấp dẫn được khán giả.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-khau-van-thieu-sinh-khi-10280775.html