Sân khấu xã hội hóa nỗ lực 'sáng đèn'
Theo thông tin từ Sân khấu Lệ Ngọc, đơn vị này vừa hoàn thành đêm diễn thứ 140 của vở kịch nói 'Lá đơn thứ 72' (Kịch bản Hoàng Thanh Du - Đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ). Đây có lẽ là con số đạt kỷ lục và nói lên nhiều điều trong bối cảnh khó khăn chung của sân khấu hiện nay. Những nỗ lực không mệt mỏi của Sân khấu Lệ Ngọc nói riêng, sân khấu xã hội hóa nói chung để sân khấu hồi sinh và liên tục sáng đèn là điều rất đáng ghi nhận.
Nỗ lực của Sân khấu Lệ Ngọc
Trong năm 2023, Sân khấu Lệ Ngọc vẫn liên tục có vở diễn mới và kịch mục biểu diễn thường xuyên gồm có 6 vở: "Vua Lear", "Lôi vũ", "Lá đơn thứ 72", "Làm vua", "Dế Mèn", "Đám cưới con gái chuột". Trong đó, "Vua Lear", "Lôi vũ" là 2 vở diễn được dàn dựng từ những kiệt tác văn học thế giới, còn "Dế Mèn", "Đám cưới con gái chuột" là 2 vở kịch thiếu nhi.
Với kịch mục phong phú, nên Sân khấu Lệ Ngọc dường như bận rộn quanh năm với lịch diễn liên tục được thay đổi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả đa dạng các độ tuổi. Với đêm diễn thứ 140 của vở "Lá đơn thứ 72" sau gần 2 năm công diễn, có thể coi đây là một thành công đầy ấn tượng của Sân khấu Lệ Ngọc trong thời buổi một vở diễn ra đời có thể được coi là thành công khi có có từ 10 suất diễn trở lên.
Trao đổi với phóng viên Văn nghệ Công an, NSND Lệ Ngọc cho biết: "Hiện nay, kịch mục sẵn sàng để biểu diễn của Sân khấu Lệ Ngọc lúc nào cũng đầy ắp. Tuy nhiên, khó khăn do chúng tôi là sân khấu xã hội hóa nên nguồn diễn viên không ổn định, chủ yếu là "đi mượn" từ các đoàn, bên cạnh đó là địa điểm biểu diễn cũng không ổn định, luôn phải lo khâu tìm sân khấu để đặt chỗ biểu diễn.
Ví dụ như vào dịp đầu xuân sắp tới, tôi rất muốn có đêm diễn "mở hàng" tại Nhà hát Lớn Hà Nội với vở "Lá đơn thứ 72" vào khoảng mồng 10 tháng Giêng, nhưng còn đang phải "xếp hàng" chờ chưa biết có được không. Hiện nay, nhiều địa phương cũng mong muốn chúng tôi về tỉnh họ lưu diễn vở này, nhưng chúng tôi cũng chưa đi được bởi đặc thù là sân khấu tư nhân, ngoài câu chuyện nghệ thuật còn phải lo cơm, áo, gạo tiền, cân đối lịch với diễn viên... Tuy nhiên, có những nơi tha thiết quá dù họ chẳng có đủ tiền để trả thì chúng tôi vẫn về biểu diễn, rồi lại tìm nguồn thu khác bù vào...".
Theo NSND Lệ Ngọc, đến nay đã có hàng chục địa phương đề nghị Lệ Ngọc đưa "Lá đơn thứ 72" về diễn ở địa phương mình, nhưng vì nhiều lý do, vở diễn mới chỉ được đưa đi biểu diễn tại một số tỉnh thành như Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Giang. Còn hàng chục địa phương khác như Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định... đơn vị vẫn chưa sắp xếp để đi được.
Năm 2023 cũng là năm Sân khấu Lệ Ngọc đưa được nhiều vở diễn đi dự thi, tham gia các hoạt động nghề nghiệp ở nước ngoài nhất từ trước đến nay như: các vở "Ngũ biến" và "Dế Mèn" xuất ngoại tham gia "Tuần lễ Liên hoan văn hóa Phi vật thể Trung Quốc - ASEAN (diễn ra tại Nam Ninh); vở "Đám cưới con gái chuột" sang Singapore tham dự "Liên hoan Văn học Thiếu nhi Châu Á (AFCC) 2023", vở diễn "Lá đơn thứ 72" và "Lôi Vũ" tham gia kỷ niệm 10 năm Tuần lễ Văn hóa Asean - Trung Quốc (Nam Ninh) và giành được Huy chương Vàng... Ngoài ra, Sân khấu Lệ Ngọc còn vinh dự tham dự "Liên hoan Văn hóa nghệ thuật các nước thuộc lưu vực sông Lan Thương - Mekong 2023"...
NSND Lệ Ngọc cũng cho biết thêm: "Sở dĩ bản thân tôi đã cùng các cộng sự của Sân khấu nỗ lực nhiều như vậy bởi vì tôi ngoài mong muốn được làm nghề, còn là bởi mong muốn sân khấu kịch nói miền Bắc tiếp tục tồn tại và phát triển. Tôi cũng có nỗi buồn là, một mai sẽ không còn khán giả đi xem kịch nữa, thì sân khấu sẽ chết! Tôi cũng mong muốn được tiếp lửa, truyền lửa cho thế hệ trẻ, để họ tiếp nối và sống được với nghề, không mất hi vọng, không bỏ cuộc.
Thời gian trước, khi Sân khấu Lệ Ngọc đi lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh với hơn 20 đêm sáng đèn ở Nhà hát Lớn thành phố, nhiều nghệ sĩ đã tìm đến tôi để được tâm sự, để lắng nghe tôi truyền kinh nghiệm cũng như tâm sự về việc làm sao để giữ lửa nghề... Tôi lúc nào cũng hạnh phúc vì được làm điều đó. Sân khấu tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh từng rất thành công từ hơn 20 năm trước, nhưng rồi lại rơi vào thoái trào. Bây giờ, nhiều nghệ sĩ tại TP. Hồ Chí Minh lại coi Sân khấu Lệ Ngọc là một "điểm sáng" đáng để học hỏi!...".
Sân khấu tư nhân phía Nam hồi sinh mạnh mẽ
Trước đại dịch COVID-19, sân khấu kịch xã hội hóa của TP. Hồ Chí Minh đã có thời gian dài đi vào thoái trào. Khán giả đi xem kịch thưa vắng hẳn, kéo theo kịch mục cũng phải ít đi, một số sân khấu còn phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Sự im ắng của sân khấu sau 2 năm dịch dường như cũng là khoảng lặng để sau đó sân khấu TP. Hồ Chí Minh có sự hồi sinh kỳ lạ.
Dịp trước và sau Tết Quý Mão 2023, các sân khấu xã hội hóa nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh như IDECAF, Nhà hát Nụ cười, Nhà hát Thanh niên, Sân khấu Thế giới trẻ, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Hồng Hạc... liên tục thông báo lịch diễn mới. Nhiều vở diễn còn được bán vé trước hàng tháng trời và luôn trong tình trạng "cháy vé" kể cả những vở diễn cũ được phục dựng.
Lý giải cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng, sau 2 năm đại dịch, khán giả đã phải ngồi trong nhà quá lâu, ít có các hoạt động giải trí, thư giãn nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, làm mới tinh thần, giảm stress tăng lên đã thôi thúc họ tìm đến với sân khấu.
Có lẽ chính vì thế, các sân khấu xã hội hóa ở TP. Hồ Chí Minh "có đà" và sức bật trở lại và trong năm 2023 với hàng loạt vở diễn mới ra đời phục vụ nhu cầu của khán giả từ nhỏ tuổi đến người trưởng thành. Trong đó phải kể đến việc một số sân khấu đã đóng cửa bắt đầu có hoạt động nghệ thuật trở lại, bên cạnh đó có những sân khấu mới được thành lập như Sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc, Sân khấu Ngôi Sao Mới của nghệ sĩ Lâm Minh Du...
Với Sân khấu Thiên Đăng, tuy mới được thành lập hồi tháng 7/2023 nhưng ngay từ vở diễn đầu tiên ra mắt là vở "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả cũng như nghệ sĩ. Vở "Giáng Hương" là một vở kịch của soạn giả Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu) được chính "ông chủ" của Thiên Đăng là NSƯT Thành Lộc làm đạo diễn được cho là vở diễn để tôn vinh ngành sân khấu đã có nhiều đêm liên tục cháy vé và đã đạt đêm diễn thứ 30 trong đầu tháng 1/2024.
Sân khấu kịch Thiên Đăng từ khi thành lập đã liên tục cho ra mắt những vở diễn mới như: "Ngôi nhà trong mây" (Kịch bản: Hương Giang, Định Nguyên - Đạo diễn: Tuấn Khôi); "Duyên thệ" (Kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc phóng tác từ 2 tác phẩm "Bỏ vợ" và "Lá thư hối hận" của nhà văn Hồ Biểu Chánh - Đạo diễn: NSƯT Hữu Châu); "Lộ hàng" (Kịch bản: Lê Hoàng - Đạo diễn: NSƯT Thành Lộc). Hay với Sân khấu Hồng Hạc của đạo diễn Việt Linh, sau "tháng kịch Pháp" cuối năm 2023, nhiều vở diễn vẫn liên tục được biểu diễn như: "Giờ của quỷ", "Mọi điều ta chưa nói" và "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" sẽ ra mắt vào 27/2/2024...
Đây thực sự là những tín hiệu chuyển động hết sức đáng mừng của sân khấu xã hội hóa nói riêng và sân khấu kịch nói chung. Không giấu được niềm vui về việc Sân khấu kịch Hồng Vân liên tục được khán giả đón nhận nồng nhiệt, NSND Hồng Vân chia sẻ: "Sau 23 năm Sân khấu kịch Hồng Vân gắn bó với Nhà văn hóa quận Phú Nhuận, Hồng Vân đã phải trả lại mặt bằng vì nhiều lý do. Nhưng Sân khấu kịch Hồng Vân đã rất may mắn khi tìm được đối tác mới để hợp tác và có địa điểm biểu diễn mới tại Nhà văn hóa Sinh viên trên đường Điện Biên Phủ, quận 3.
Với nhiều nỗ lực, chúng tôi đã ra mắt được vở nhạc kịch "Bông cánh cò" vào tháng 9/2023. Thật hạnh phúc vì sau một thời gian dài bị ngưng trệ vì dịch và không có địa điểm hoạt động, khán giả lại đến với Sân khấu kịch Hồng Vân rất đông, nhiều đêm diễn cháy vé. Một số vở khác của Sân khấu kịch Hồng Vân mới dựng như "Ai kế tiếp" hay "Người vợ ma" là vở kịch kinh dị được phục dựng nhưng đều rất đông khán giả. Có khán giả có nghĩa là có kinh phí để tái đầu tư, có động lực tiếp tục với nghề. Sắp tới, theo kế hoạch của đơn vị đối tác, chúng tôi sẽ đưa vở nhạc kịch "Bông cánh cò" ra biểu diễn tại Hà Nội trong dịp đầu xuân...".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/san-khau-xa-hoi-hoa-no-luc-sang-den-i720630/