Lầu Năm Góc, chủ đầu tư dự án máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 đã tuyên bố: Nếu B-21 không thể đối phó với các mối đe dọa mới, nó sẽ bị thay thế. Vì vậy, ngay cả khi vượt qua toàn bộ các thử nghiệm và được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng tương lai của B-21 vẫn bị đe dọa.
Điều này đã được xác nhận bởi Trung tướng Richard Moore, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, phụ trách về Chương trình phát triển và mua sắm của Không quân Mỹ đưa ra vào giữa tháng 4 trước các nhà lập pháp Mỹ.
Một trong những mối đe dọa mới với Quân đội Mỹ chính là Trung Quốc. Theo giới phân tích khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang chuẩn bị lực lượng máy bay tiến công chiến lược, gồm các máy bay ném bom B-52 Stratofortress và B-21 Raider.
Trong hai loại máy bay ném bom chiến lược trên, thì “cụ ông” B-52 sẽ đóng vai trò tấn công từ xa. Còn B-21 sẽ đóng một vai trò chủ lực, vì nó sẽ đảm nhận trách nhiệm hoạt động trong các môi trường có tranh chấp; tức là tiến gần hơn hoặc thậm chí là vào sâu sau lưng đối thủ.
Theo tướng Moore, khả năng máy bay B-21 bị thay thế là hoàn toàn có thể và điều đó không có gì lạ; vì trong lịch sử, Lầu Năm góc đã thực hiện những hành động như vậy. Ví dụ, chương trình cho một hệ thống tiếp nhiên liệu mới của Không quân Mỹ đã bị hủy bỏ, do mối đe dọa đang thay đổi.
Sự không chắc chắn liệu B-21 có thể đối phó với khả năng chiến đấu của Quân đội Trung Quốc hay không? Điều đó đang đặt chương trình B-21 dưới một mối đe dọa tiềm ẩn, vì lo ngại B-21 không thể đủ năng lực hoạt động trong một môi trường có tranh chấp.
Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ có kế hoạch chế tạo ít nhất 100 chiếc B-21. Nhưng một số chuyên gia ở Mỹ nói rằng, Không quân Mỹ cần ít nhất gấp đôi số lượng trên (khoảng từ 200-230 chiếc) để tạo ưu thế trước các đối thủ tiềm tàng.
Ý kiến phản biện trên được bày tỏ bởi Mark Gunzinger, một đại tá Không quân Mỹ (đã nghỉ hưu). Theo ý kiến của ông, Washington nên có 225 máy bay ném bom B-21 và những chiếc máy bay này, cùng với máy bay B-1 và B-52, tạo thành một phi đội máy bay ném bom chiến lược lên tới 300 chiếc.
Theo trang web BulgarianMilitary gần đây cho biết, Không quân Mỹ đã tiến hành nâng cấp những chiếc máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer. Các giá treo mới của loại máy bay ném bom này, sẽ cho khả năng mang theo trọng tải lớn hơn nhiều, trong đó có cả vũ khí siêu thanh.
Theo phân tích của các chuyên gia, chiến thắng của Mỹ trong một cuộc chiến có thể xảy ra với Trung Quốc, sẽ phụ thuộc vào máy bay ném bom B-21, chứ không phải tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hay máy bay chiến đấu.
Nếu B-21 cho thấy khả năng xâm nhập sâu, điều đó có nghĩa là các tàu sân bay Mỹ sẽ ở khoảng cách 1.800-2.700 km so với bờ biển Trung Quốc. Khoảng cách này thuận lợi cho Hải quân Mỹ, vì tầm bắn của tên lửa hành trình chống hạm của Quân đội Trung Quốc không thể có tầm bắn xa như vậy.
Máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21, do công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ, Northrup Grumman phát triển (đây cũng là công ty phát triển và sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2), có tầm bay tối đa 9.600 km và mang theo trọng tải 10 tấn vũ khí.
Như vậy khả năng xuyên phá của máy bay ném bom tàng hình B-21 qua các hệ thống chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc sẽ là thử thách lớn nhất. Trong khi các loại tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Mỹ, khó có năng lực vượt qua A2/AD của Trung Quốc.
Hiện một số hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc được bố trí nhiều tầng từ trên mặt biển đến vào sâu trong lãnh thổ, có khả năng chiến đấu phòng không rất mạnh. Như vậy, các phi đội B-21 Raider sẽ phải giao chiến với hàng nghìn mục tiêu, do đó B-21 sẽ là vũ khí chủ lực của Mỹ trong cuộc chiến.
Nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời tại thời điểm này; ví dụ như liệu Mỹ có thể sản xuất 20 máy bay ném bom B-21 mỗi năm như kế hoạch? Bởi theo các chuyên gia, hiện tại, Mỹ chỉ có thể sản xuất 8-9 máy bay ném bom mỗi năm. Tức là bằng một nửa như mong muốn.
Qua cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra, vấn đề “có thể hết máy bay” đang được đặt ra. Cựu đại tá Gunzinger nói rằng, Mỹ hiện không có đủ dự trữ máy bay ném bom để đối phó với cường độ của một cuộc chiến tranh tổng lực.
Điều tồi tệ nhất với Không quân Mỹ là nếu B-21 không thể chống lại các mối đe dọa mới, điều đó có nghĩa là một thiết kế máy bay ném bom mới dù tốn kém, cũng sẽ biến thành vô nghĩa. Ít nhất đó là những gì trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ của tướng Moore.
Tướng Moore cũng nhấn mạnh rằng, hiện Quân đội Trung Quốc đang tăng cường vũ trang với các loại vũ khí mới với tốc độ rất nhanh và máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21, đang nổi lên như một loại vũ khí chủ lực, có nhiều khả năng tham gia vào một cuộc chiến với Trung Quốc.
Mặc dù B-21 chưa vượt qua các chuyến bay thử nghiệm và chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng Washington đã coi nó là xương sống của lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu “niềm hy vọng” B-21 của Mỹ, không thể chống lại các mối đe dọa đang nổi lên? Ảnh: Military, Flickr, Aviation.
Tiến Minh (theo Bulgarian Military)