Sàn mua bán nợ dự kiến đi vào hoạt động từ 15/10
Phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3 nghìn tỷ đồng nợ xấu...
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngày 15/10, sàn giao dịch nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (VAMC) sẽ được đi vào hoạt động.
Ông Du cho biết thêm, sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Trước đó, cuối tháng 6, VAMC đã phát đi thông báo Sàn giao dịch nợ VAMC hoạt động theo mô hình chi nhánh, đã được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Hoạt động trọng tâm của sàn này là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Mục tiêu hoạt động của sàn là tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Từ đó, đẩy cao vị thế VAMC nhằm tạo động lực xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với vai trò trung tâm của VAMC trên thị trường.
Trong một lần trao đổi với VnEconomy, một đại diện VAMC cho biết, việc thành lập sàn giao dịch nợ xuất phát từ thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Đại diện VAMC từng chia sẻ phiên mở hàng của sàn giao dịch nợ sẽ có ít nhất 3.000 tỷ đồng nợ xấu được giao dịch.
Về thành viên tham gia, bao gồm: VAMC, các tổ chức tín dụng, AMC của các tổ chức tín dụng và các công ty mua/bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69/2016/NĐ-CP nếu đáp ứng được điều kiện của sàn.
Bên cạnh các đối tượng trên, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức môi giới, tư vấn…
Nguồn hàng (nợ xấu) cung cấp cho thị trường được xác định từ hai nguồn chính. Nguồn đầu tiên là các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường. Hiện tại, nguồn này ước 3 nghìn tỷ đồng và sẽ được mang lên giao dịch ngay.
Cùng đó là nguồn nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt; tuy nhiên, trước khi giao dịch phải có sự thống nhất giữa VAMC với các tổ chức tín dụng về phương thức xử lý nợ. Nếu khoản nợ nào thỏa thuận được bằng cách bán nợ cho bên thứ ba thì sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch.
Nguồn thứ hai là từ tổ chức tín dụng và AMC tổ chức tín dụng. "Khi các đơn vị này xác định tính cần thiết, tính khả thi của phương án xử lý nợ bằng cách bán nợ đi cũng sẽ kết nối với sàn để niêm yết khoản nợ xấu", một phó tổng giám đốc VAMC cho biết.
Tại một diễn biến khác, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mới đây thông tin, do dịch Covid-19 nên nợ xấu nội bảng các ngân hàng đã tăng lên khoảng 2%, tổng cộng nợ xấu toàn nền kinh tế bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC vọt lên hơn 8%.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/san-mua-ban-no-du-kien-di-vao-hoat-dong-tu-15-10.htm