'Sản phẩm dược phẩm ra thị trường thành công còn khó hơn trúng số Vietlott'
Trong 10.000 nghiên cứu chỉ có 1 nghiên cứu thành công; nhưng trong 1 nghiên cứu thành công đó, chỉ có 30% thương mại được. Sản phẩm dược phẩm ra thị trường thành công còn khó hơn trúng số Vietlott.
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược", do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay (20/7).
Nêu thực tế vốn FDI vào dược phẩm và y tế còn rất khiêm tốn, ông Sử cho rằng đây là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc trong bối cảnh Việt Nam coi lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực khuyến khích đầu tư, thậm chí xem là lĩnh vực xã hội hóa được dành hỗ trợ ở mức cao nhất.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề nguồn vốn FDI rót vào mảng dược phẩm, y tế còn thấp.
Trước hết, theo ông Sử, dược phẩm, y tế là ngành có sự thay đổi chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây 100% lĩnh vực này do Nhà nước sở hữu chi phối, sau đó qua quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân mới tham gia vào. Sự thay đổi này còn bị kéo chậm hơn nữa do doanh nghiệp cổ phần hóa với những con người cũ, tư duy cũ, quy trình cũ nên không thể chuyển hóa nhanh.
Thứ hai, từ góc độ doanh nghiệp tư nhân, nhóm doanh nghiệp này gặp rào cản lớn trong gia nhập thị trường bởi lĩnh vực dược phẩm, y tế là lĩnh vực cần uy tín cao, đi sau sẽ vấp phải vấn đề niềm tin. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cần nhiều nhưng xác suất để phát triển thành công một sản phẩm và có thể đưa ra thị trường là vô cùng thấp.
“Trong 10.000 nghiên cứu chỉ có 1 nghiên cứu thành công; trong số những nghiên cứu thành công đó, chỉ có 30% thương mại được. Tỷ lệ sản phẩm dược phẩm ra thị trường thành công còn khó hơn trúng số Vietlott” - ông Đỗ Văn Sử nhận định.
Nguyên nhân thứ ba, mặc dù tình hình khó khăn như vậy, doanh nghiệp dược còn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cơ chế, như đấu thầu, kiểm soát dược phẩm, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm… gây hạn chế đáng kể cho sự phát triển của ngành dược phẩm, y tế Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài thông tin, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tiếp cận và bày tỏ mong muốn được đầu tư vào doanh nghiệp dược. Tuy vậy, để trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, họ vấp phải rào cản trong quy trình thoái vốn, định giá.
“Với các doanh nghiệp tư nhân, vấn đề quản trị là một điều đáng quan ngại bởi văn hóa Á Đông khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp này vẫn quản trị theo phong cách gia đình. Đây là điều tối kỵ với người nước ngoài” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết thêm, một mối lo ngại nữa liên quan đến đội ngũ nguồn nhân lực, là năng lực tiếp nhận, triển khai công nghệ trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Cho rằng "băng dày 3 thước không phải do tuyết rơi 1 đêm”, ông Sử khẳng định để quá trình R&D thành công, mỗi doanh nghiệp dược phẩm, y tế đều cần đội ngũ nhân lực đủ chiều sâu, bề dày kinh nghiệm.
Ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và gia tăng hàm lượng công nghệ cao
Cũng tại hội thảo, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng từ cách tiếp cận của Nghị quyết 29 và với những xu hướng đầu tư, công nghệ trên toàn cầu hiện nay, ngành y tế và sản xuất dược phẩm đang được đặt trước những cơ hội mới để huy động và khai thác những nguồn lực lớn trong và ngoài nước. Việc này nhằm kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, chuyển dịch nhanh sang nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam, hiện đại hóa và phát triển bền vững, hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của ngành y là chăm lo cho sức khỏe của nhân dân.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng ngành y tế và sản xuất dược phẩm đang được đặt trước những cơ hội mới.
Thu hút đầu tư vào ngành y dược không chỉ mang ý nghĩa về nguồn vốn để nâng cao năng lực, phát triển ngành y mà còn có tác dụng tăng cường sự liên kết, lan tỏa như tinh thần Nghị quyết 29.
“Chỉ nhìn vào con số hàng ngàn tỉ USD mà các công ty dược phẩm sinh học sẽ đầu tư cho riêng lĩnh vực nghiên cứu và triển khai trong giai đoạn 2020-2030 cũng có thể lý giải phần nào về cuộc đua này” – ông Minh nói.
Nhắc đến kinh nghiệm quốc tế, ông Lê Trọng Minh cho rằng, sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng khắp sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội thông qua việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán KPMG về “Đánh giá các tác động kinh tế và xã hội của ngành dược phẩm phát minh đối với Việt Nam”, dược phẩm phát minh ước tính đã đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP năm 2021, cùng với tốc độ tăng trưởng hằng năm lên đến 10% trong thời gian tới. Con số này bao gồm 350 triệu USD giá trị được tạo ra trực tiếp, cộng thêm 410 triệu USD đóng góp gián tiếp thông qua các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau, như chi tiêu cho nguyên liệu thô, hoạt động hậu cần, bán hàng và tiếp thị. Khoảng 400 triệu USD còn lại được ghi nhận thông qua các chi tiêu của người lao động trong ngành này.
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể là đẩy nhanh thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước OECD. Về nguồn lực bên ngoài, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút đầu tư trực tiếp từ các đối tác thuộc các nước phát triển./.