Sản phẩm Kiên Giang vươn tầm OCOP - Bài 2: Kinh tế hợp tác dẫn dắt

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Kiên Giang có 148 sản phẩm được công nhận đạt 3, 4 sao chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phần lớn sản phẩm này do các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng vai trò chủ thể. Điều đó cho thấy vai trò dẫn dắt của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

● Sản phẩm Kiên Giang vươn tầm OCOP - Bài 1: Đặc sản xứ đồng lên hương

HÀNG “HAND MADE” VÀO OCOP

Trăn trở làm thế nào với nguồn nguyên liệu lục bình ở vùng sông nước, bà Huỳnh Kim Lam “khăn gói quả mướp” lên miền Đông Nam bộ để bàn chuyện hợp tác gia công, sơ chế và đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ký được hợp đồng, bà mở cơ sở sản xuất để gia công sản phẩm từ lục bình với số lao động ban đầu chỉ vài ba người. Dần dà làm ăn nở nồi, số công nhân tăng lên gần 200 người, chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi.

Với mức thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/người/ngày, cơ sở của bà Lam giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nông thôn. Bà Huỳnh Kim Lam - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam, ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao kể: “Ký được hợp đồng, tôi về mở lớp dạy chị em đan, lần hồi phát triển lên và mở rộng sang cả các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau”.

Mỗi tháng, Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam sản xuất hơn 4.000 sản phẩm đan đát các loại từ lục bình như giỏ quà tết, khay đựng trái cây, chậu cây xanh... Sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, giữ vững uy tín, xây dựng được đội ngũ lao động có tay nghề nên việc kinh doanh của doanh nghiệp càng phát triển.

Nhiều năm liền, bà Lam được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, sản phẩm từ lục bình của bà nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bà Huỳnh Kim Lam - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam, ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao (Kiên Giang) kiểm tra lại sản phẩm đan từ lục bình trước khi giao hàng.

Bà Huỳnh Kim Lam - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam, ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao (Kiên Giang) kiểm tra lại sản phẩm đan từ lục bình trước khi giao hàng.

Mới đây, sản phẩm khay lục bình của Doanh nghiệp tư nhân Kim Lam được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bà Lam nói: “Hiện doanh nghiệp chủ yếu gia công cho công ty ở tỉnh Đồng Nai nên giá sản phẩm không bằng trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài. Hướng tới doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, vừa tăng doanh thu, sản lượng vừa tăng thu nhập cho người lao động”.

ĐƯA SẢN PHẨM VƯƠN XA

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Kiên Giang xác định lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể chính cùng người dân xây dựng sản phẩm OCOP. Đây là các đơn vị đủ năng lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với các vùng nguyên liệu để phát triển sản phẩm OCOP.

Đầu tháng 12-2022, ông Ngô Thành Khuyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Điền Tín, TP. Rạch Giá cùng đội ngũ nhân viên đến các vùng tôm - lúa trên địa bàn huyện U Minh Thượng để thu mua lúa. Đây là vùng nguyên liệu được công ty liên kết với nông dân thực hiện trong nhiều năm qua.

Từng tham gia chuỗi liên kết và tiêu thụ lúa gạo năm 2015, Công ty Cổ phần Điền Tín hiện liên kết với nông dân các huyện vùng U Minh Thượng sản xuất, tiêu thụ lúa trên nền đất nuôi tôm với diện tích 10.000 công ruộng. Sản lượng gạo cung ứng ra thị trường 20.000 tấn/năm.

Ông Ngô Thành Khuyên cho biết: “Tháng 11-2022, 4 sản phẩm của công ty đều được xếp hạng OCOP 4 sao là ST25 lúa - tôm, gạo hương sữa R20, gạo R24, gạo R21 Chim Rơi. Lợi thế của công ty là có vùng nguyên liệu sản xuất lúa - tôm tại một số huyện đã liên kết trước đây. Toàn bộ quy trình từ sản xuất đến khâu đóng gói đều được thực hiện khép kín nên đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như hàm lượng dinh dưỡng. Công ty tăng cường xúc tiến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Hơn 20 năm gắn bó với cây lúa, con tôm, ông Lê Thế Sua - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phát, ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng, huyện An Minh trăn trở tìm hướng đi mới khi nhận thấy nhu cầu thị trường đang dần thay đổi.

Thấy con tôm sạch của quê nhà bị đánh đồng với tôm nuôi nhiều kiểu khác nhau trên thị trường, ông Sua nghĩ cách tìm đầu ra ổn định cho tôm sạch. Vậy là sản phẩm tôm khô sinh thái ra đời. Không chỉ vậy, ông cùng thành viên hợp tác xã sản xuất sản phẩm chả cá với nguyên liệu 100% từ cá rô phi tự nhiên trong vuông tôm - lúa hữu cơ.

Ông Lê Thế Sua giới thiệu sản phẩm tôm khô sinh thái.

Sau thời gian thử nghiệm, nỗ lực của ông Sua và thành viên hợp tác xã được đền đáp xứng đáng khi nhận nhiều đơn đặt hàng nhỏ lẻ từ địa phương. Không những vậy, năm 2021, sản phẩm chả cá rô phi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Không ngại “tay xách nách mang” sản phẩm nhà làm của các thành viên hợp tác xã đi chào hàng, giới thiệu sản phẩm, ông Sua giúp sản phẩm chả cá rô phi của hợp tác xã có mặt tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, TP. Cần Thơ.

Sau 2 năm sản xuất thành công, mới đây sản phẩm tôm khô, chả cá rô phi của Hợp tác xã nông nghiệp Thuận Phát được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Sua cho biết: “Tôi đang thiết kế lại bao bì mới có in chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tết này hợp tác xã cung ứng khoảng 1,5 tấn chả cá rô phi các loại tươi, hấp, chiên sẵn theo đơn đặt hàng, còn mặt hàng tôm khô quảng canh cũng tròm trèm 400-500kg”.

Bài và ảnh: AN LÂM

►Sản phẩm Kiên Giang vươn tầm OCOP - Bài cuối: Nâng tầm sản phẩm OCOP

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/san-pham-kien-giang-vuon-tam-ocop-bai-2-kinh-te-hop-tac-dan-dat-11811.html