Sản phẩm mới hỗ trợ điều trị máu nhiễm mỡ

Để thực hiện được đề tài này, nhóm nghiên cứu cũng trải qua nhiều khó khăn.

Nhóm nghiên cứu trao đổi về độ ổn định của sản phẩm, xác định thời gian bảo quản, tìm đơn vị phân phối, đăng ký chất lượng...

Nhóm nghiên cứu trao đổi về độ ổn định của sản phẩm, xác định thời gian bảo quản, tìm đơn vị phân phối, đăng ký chất lượng...

Với việc nghiên cứu thành công thực phẩm bảo vệ sức khỏe điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu (tình trạng máu nhiễm mỡ) bằng chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô, nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã mở ra một hướng mới trong hỗ trợ điều trị cho người mắc tình trạng này.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch vành, đột quỵ... Hiện trên thế giới và trong nước đã có nhiều nghiên cứu về chiết xuất cũng như thử tác dụng điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu của dầu béo hạt tía tô. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khẳng định quá trình chiết xuất mang lại hiệu suất cao và thích hợp áp dụng trong quy mô công nghiệp. Nghiên cứu về tác dụng điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu trên động vật và thử độc tính của dầu béo từ hạt tía tô cũng chưa đầy đủ, chưa thử nghiệm lâm sàng trên người. Tiến sĩ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu quy trình chiết xuất dầu béo từ hạt tía tô và sản xuất viên nang mềm hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu" cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu của người dân và nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên nên chúng tôi đã thực hiện đề tài này với mong muốn đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm có giá rẻ, dễ bảo quản, sử dụng”.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã trồng, thu hoạch hạt tía tô, sử dụng phương pháp chiết lấy dầu béo. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn dự kiến, nhóm thử nghiệm trên chuột và thu được những kết quả tích cực, cho thấy nồng độ cholesterol trong máu ở nhóm chuột không được sử dụng dầu béo hạt tía tô là 7,89 mmol/l, còn nhóm chuột được sử dụng dầu béo hạt tía tô chỉ ở mức 3,72- 4,78 mmlo/l; nồng độ triglycerid trong máu tương ứng 2 nhóm chuột trên là 10,08 mmol/l và từ 1,33-5,81mmol/l. Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm độc tính của dầu béo hạt tía tô trên thỏ và kết quả không thể hiện các dấu hiệu của độc tính.

Nhóm nghiên cứu phân tích các chỉ số của thuốc bằng máy

Nhóm nghiên cứu phân tích các chỉ số của thuốc bằng máy

Từ những kết quả tích cực về tác dụng của dầu béo từ hạt tía tô thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm Syntech (TP Hải Dương) sản xuất 100.000 viên nang mềm tía tô dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Để khẳng định thêm về tác dụng của viên nang mềm này, nhóm đã phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đưa vào thử nghiệm trên người. Kết quả sau 60 ngày cho thấy, nhóm bệnh nhân chỉ dùng thuốc Lipanthyl (thuốc dùng điều trị cho người bị máu nhiễm mỡ), cholesterol giảm 8,6%, triglycerid giảm 37,6%, HDL-c tăng 13,1%. Ở nhóm bệnh nhân chỉ dùng viên nang mềm tía tô, cholesterol giảm 2,86%, triglycerid giảm 29,9%, HDL-c tăng 20,3%. Còn ở nhóm bệnh nhân dùng kết hợp viên nang mềm tía tô và Lipanthyl thì cholesterl giảm 15,8%, triglycerid giảm 48,3%, HDL-c tăng 25,9%. Như vậy, cho thấy việc kết hợp giữa thuốc điều trị và viên nang mềm tía tô cho kết quả khá tích cực.
Mặc dù còn trẻ nhưng anh Phạm Quang Tiến ở khu 12 phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã bị máu nhiễm mỡ. Sau khi đi khám bệnh, anh Tiến đã tự nguyện tham gia sử dụng thử nghiệm sản phẩm trên. Sau 2 tháng dùng, khi khám lại, các chỉ số về máu nhiễm mỡ của anh Tiến đã giảm rõ rệt: "Bước đầu tôi thấy sản phẩm này khá hiệu quả với những người mắc bệnh như tôi", anh Tiến nói.

Chị Dương Ánh Tuyết, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khi triển khai đề tài đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên việc đi lại, thu thập dữ liệu, tìm nguyên liệu và vật tư thí nghiệm khá vất vả. Ngoài ra, lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện giảm mạnh nên để lựa chọn được đủ bệnh nhân tham gia thử nghiệm, thời gian nghiên cứu thử nghiệm đã phải kéo dài hơn so với dự kiến.

Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của sản phẩm, xác định thời gian bảo quản, tìm đơn vị phân phối, đăng ký chất lượng... trước khi đưa ra thị trường để những người bị rối loạn chuyển hóa lipid máu có thêm cơ hội được sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị hiệu quả, an toàn.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/san-pham-moi-ho-tro-dieu-tri-mau-nhiem-mo-201899