Sản phẩm OCOP: Để người tiêu dùng tiếp cận gần hơn
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp khu vực nông thôn phát triển nhóm sản phẩm hàng Việt đặc thù, thế nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng.
Phát triển OCOP thành xu hướng
Qua 5 năm thực hiện, chương trình OCOP đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất. Theo thống kê, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là HTX, 24,2% là DN, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP. Điển hình như vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng ĐBSCL chiếm 18,4%.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, Bộ Công thương cũng đã triển khai một loạt các hoạt động kết nối thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch (Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cà Mau…). Nhờ kết hợp với du lịch, các địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững. Qua đó, góp phần thúc đẩy các địa phương tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm thế mạnh cũng như phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP cũng còn những khó khăn nhất định như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng
Thực tế nhu cầu sử dụng sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước rất lớn, tuy nhiên hiện nay đa phần sản phẩm OCOP vẫn chưa tiếp cận được gần với người tiêu dùng. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Minh Thu (Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nhu cầu được sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn của người dân là rất cao. Tuy nhiên đa phần hiện nay sản phẩm OCOP chỉ được bán ở các siêu thị hoặc nền tảng xã hội. Phân phối qua kênh này, chủ thể sản xuất phải chịu chi phí dịch vụ cao do đó sản phẩm OCOP hiện nay có giá không hề dễ thở. Đây chính là nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa thể đến được đông đảo người tiêu dùng. “Nếu như đưa vào kênh chợ truyền thống giá thành kéo giảm, nhiều người tin việc sử dụng sản phẩm OCOP sẽ thành xu hướng tiêu dùng” – chị Thu nói và minh chứng, gia đình chị rất thích dùng thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chức năng từ thiên nhiên nhưng hiện nay chi phí những sản phẩm này khá cao. Ví dụ như trà cao lá vằng cũng có giá từ 250 – 350.000 đồng. Hay như nấm hữu cơ cũng có giá từ 150 – 350.000 đồng/kg loại tươi. Với giá thành khá cao rất khó để người dân lựa chọn dùng thường xuyên.
Để đưa sản phẩm OCOP đến gần người tiêu dùng hơn, theo ông Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, lĩnh vực du lịch có nhiều dư địa cho tiêu thụ sản phẩm OCOP. Mặc dù vậy, điểm hạn chế hiện nay là khách du lịch thiếu thông tin về sản phẩm OCOP. Dù có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, nhưng trên thực tế cho thấy điểm tập trung giới thiệu sản phẩm này ở địa phương chưa nhiều, phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Chỉ có một số địa phương làm được.
Để gia tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các loại hình kênh phân phối nói chung và trên sàn thương mại điện tử nói riêng, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, có 3 vấn đề mấu chốt cần triển khai gồm: chất lượng căn cứ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ và cùng với đó triển khai các chương trình về thương hiệu. “Để nâng tầm của sản phẩm OCOP, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đa kênh, kết hợp xúc tiến thương mại bằng các kênh truyền thống như tổ chức hội chợ và các triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu” - ông Tiến nhấn mạnh.
Đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, cần tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa.