Sản phẩm OCOP kể chuyện

Không chỉ là những sản phẩm đặc trưng của địa phương, các sản phẩm OCOP còn mang trong mình những câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của những người trẻ khát khao giữ gìn và nâng tầm bản sắc địa phương. Từ nghề truyền thống đến những giá trị văn hóa độc đáo, họ đã thổi hồn vào từng sản phẩm, biến chúng thành những 'đại sứ' kể chuyện về quê hương và con người trên hành trình vươn ra 'biển lớn'.

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Sinh ra tại làng bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, một làng nghề truyền thống hơn 100 năm, năm 2015, Nguyễn Đăng Tôn Cảnh cùng với 2 người bạn là Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Phước Ánh quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước tại các thành phố lớn để quay về quê hương xây dựng thương hiệu bún sạch.

Anh Cảnh chia sẻ, bà cố nội của anh là một trong những bậc khai sinh ra làng nghề này. Nhờ làm bún mà người dân trong làng có thu nhập ổn định, con cái được học hành đầy đủ. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của đời sống, làm bún truyền thống dần lộ ra những bất cập, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, anh Cảnh và cộng sự đã quyết tâm sáng lập Bún sạch Vạn Linh, một thương hiệu bún sạch, không chỉ ngon mà còn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, cơ sở Bún sạch Vạn Linh đã đưa ra thị trường sản phẩm bún tươi sấy khô mang thương hiệu Nhất Linh với nhiều ưu điểm vượt trội - Ảnh: L.A

Sau một thời gian dài nghiên cứu, cơ sở Bún sạch Vạn Linh đã đưa ra thị trường sản phẩm bún tươi sấy khô mang thương hiệu Nhất Linh với nhiều ưu điểm vượt trội - Ảnh: L.A

Theo anh Cảnh, điểm khác biệt của Bún sạch Vạn Linh chính là nguyên liệu sản xuất bún. Gạo được chọn lọc từ những cánh đồng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị.

Quá trình sản xuất bún được thực hiện thủ công, kết hợp với công nghệ hiện đại, từ việc xay bột, tráng bột đến việc tạo ra những sợi bún dai, mềm, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Quy trình sản xuất khép kín còn giúp sản phẩm luôn đạt chất lượng cao, đồng thời bảo vệ môi trường. Sau thời gian dài miệt mài quảng bá, đến nay Bún sạch Vạn Linh đã có mặt trong hầu hết các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở khu vực miền Trung, từ Nghệ An đến Quảng Nam.

Mỗi ngày có khoảng 500 - 700 kg bún tươi mang thương hiệu Bún sạch Vạn Linh được xuất bán ra thị trường. Đặc biệt, bún sạch Vạn Linh đã được chứng nhận OCOP 3 sao, sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP càng giúp khách hàng yên tâm tin dùng.

Từ thành công của bún tươi Vạn Linh, đầu năm 2023, nhóm của anh Cảnh bắt đầu nghiên cứu làm bún tươi sấy khô. Chia sẻ về ý tưởng mới này, anh Cảnh cho hay, ngày xưa mỗi lần bán ế, anh lại thấy bố mẹ mình đem bún tươi phơi nắng cho thật khô rồi cất lại ăn dần.

Sợi bún phơi khô giữ được lâu nhưng khi chế biến vẫn giữ được những nét đặc trưng của bún tươi. Từ đó anh nảy ra ý tưởng sấy khô bún tươi để khắc phục những hạn chế của bún tươi như khó vận chuyển đi xa, thời gian bảo quản ngắn...

Sau một thời gian nghiên cứu với hàng chục mẻ bún bị loại bỏ vì thất bại, cuối năm 2023, nhóm của anh Cảnh đã tự tin tung ra thị trường sản phẩm bún tươi sấy khô mang thương hiệu Nhất Linh dễ dàng sử dụng, có thời gian bảo quản lên đến 12 tháng. Hiện tại, mỗi tháng có khoảng 5.000 hộp bún tươi sấy khô Nhất Linh được đưa ra thị trường. Sản phẩm cũng đang trong quá trình dự thi sản phẩm OCOP và nhiều tiềm năng sẽ đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh.

“Chính sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề làm bún Linh Chiểu. Nếu như trước đây sản phẩm bún tươi của làng nghề chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp cho các địa phương lân cận thì giờ đây sản phẩm đã vươn ra ngoài tỉnh, tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng nhờ vào chất lượng sản phẩm vượt trội và sự sáng tạo trong sản xuất”, anh Cảnh khẳng định.

Níu giữ hương bồ kết

Bắt đầu tham gia chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị đã có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: Cao bồ kết thảo dược, Nước lau sàn bồ hòn, Xịt dưỡng tóc dầu bưởi, Bồ kết túi lọc và Nước súc miệng thảo dược. Điểm đặc biệt của các sản phẩm OCOP này là không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chị Trần Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị cho biết, để có mái tóc dày và mượt mà, óng ả, từ nhỏ chị đã được bà và mẹ nấu nước bồ kết để gội đầu. Lớn lên trong hương bồ kết, sau khi tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, chị đã có ý tưởng chế biến các loại thảo dược thiên nhiên thành các sản phẩm tiện dụng cho người sử dụng.

Bắt đầu từ năm 2014 với sản phẩm gội đầu bồ kết túi lọc, đến năm 2017 chị đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thành lập Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị để sản xuất cao gội đầu bồ kết. Theo chị Dung, cũng như bồ kết túi lọc, cao bồ kết cũng hội đủ mùi thơm của bồ kết, vỏ bưởi, hương nhu... những loại hoa đồng cỏ nội thân thuộc. Sản phẩm không chỉ giữ lại được những giá trị truyền thống mà còn là một giải pháp tiện dụng về thời gian cho người phụ nữ hiện đại.

Chị Trần Thị Mỹ Dung (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số thu hái bồ kết đúng cách - Ảnh: L.A

Chị Trần Thị Mỹ Dung (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số thu hái bồ kết đúng cách - Ảnh: L.A

Không chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm, với sứ mệnh “hướng đến sản phẩm tự nhiên, an toàn, đóng góp cho phát triển bền vững”, đồng thời tạo việc làm cho phụ nữ vùng cao, Nhiên Thảo đã triển khai chương trình hợp tác thu mua các loại nguyên liệu thiên nhiên như bồ kết, bồ hòn, bưởi, chanh, tắc... với khoảng 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là những nguyên liệu truyền thống, có vai trò quan trọng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của công ty. Theo đó, Nhiên Thảo cam kết thu mua nguyên liệu với giá ổn định và cao hơn giá thị trường, đồng thời cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách thu hái và bảo quản bền vững để đảm bảo chất lượng nguyên liệu.

Theo chị Dung, việc liên kết với cộng đồng địa phương không chỉ mang lại nguồn nguyên liệu chất lượng cao mà còn giúp Nhiên Thảo thực hiện trách nhiệm xã hội. Thông qua các chương trình hợp tác, công ty khuyến khích bà con trồng mới và bảo vệ các loại cây bản địa, tránh khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Những cánh rừng bồ kết, bồ hòn giờ đây không chỉ là nguồn sống của người dân mà còn trở thành “vườn ươm” bảo tồn hệ sinh thái địa phương. Nhiên Thảo còn phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và địa phương triển khai các chương trình giáo dục môi trường, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của việc phát triển bền vững.

Đến nay, sau hơn 6 năm khởi nghiệp, các sản phẩm của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và đã phân phối đi khắp cả nước. Bình quân mỗi tháng công ty đưa ra thị trường hơn 5.000 chai cao gội đầu bồ kết và trên dưới 10.000 sản phẩm tinh dầu bưởi, canh, cam, nước lau sàn bồ hòn.

“Mong muốn của tôi là mỗi người khi sử dụng sản phẩm dầu gội, tinh dầu của Nhiên Thảo không chỉ lưu giữ ký ức, đưa ta về với tuổi thơ, trở về trong vòng tay của bà, của mẹ mà còn mang khát vọng xây dựng hệ sinh thái giúp phụ nữ vùng cao có việc làm ổn định”, chị Dung chia sẻ.

Nâng tầm giá trịnông sản

Anh Từ Linh Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Từ Phong cho biết, lạc là một trong những cây trồng chủ lực tại các địa phương như Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong với diện tích canh tác hằng năm khoảng hơn 3.000 ha. Trong đó lớn nhất là huyện Cam Lộ với diện tích từ 1.000 - 1.200 ha, năng suất hằng năm từ 1.500 - 2.000 tấn lạc hàng hóa.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ lạc hầu hết đều do thương lái, các hộ kinh doanh chế biến thu mua với giá cả bấp bênh, không ổn định; không có tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra ký kết bao tiêu sản phẩm hay sản xuất các sản phẩm từ lạc. Trước thực trạng trên, sau nhiều năm tìm hiểu kinh nghiệm sản xuất dầu lạc của các nhà máy trong nước, năm 2016, anh quyết định xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu lạc và các phụ phẩm từ lạc với thương hiệu Super Green được ép nguyên chất từ hạt lạc trồng tại quê hương Cam Lộ.

Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 - 2018 tại Công ty TNHH MTV Từ Phong - Ảnh: L.A

Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 - 2018 tại Công ty TNHH MTV Từ Phong - Ảnh: L.A

Một trong những điểm mạnh của Từ Phong đó là mối liên kết chặt chẽ với nông dân trồng lạc. Hiện công ty có 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết với Tổ hợp tác nông nghiệp Quật Xá, xã Cam Thành với sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 120 tấn lạc nhân, cho ra khoảng 40 tấn thành phẩm, mang lại doanh thu khoảng 6 tỉ đồng.

Theo anh Vũ, sinh trưởng trên vùng đất nắng gió, cây lạc ở đây có hàm lượng tinh dầu cao, giàu dinh dưỡng. Tính ưu việt của sản phẩm là được làm từ 100% hạt lạc có chất lượng của địa phương, được ép nguyên chất từ 2,5 kg lạc nhân cho ra 1 lít dầu, đặc biệt sản phẩm không sử dụng chất làm màu, phụ gia. Bên cạnh đó, công dụng của dầu lạc không chứa cholesterol, có hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư, ngăn ngừa lão hóa đã được các cơ quan chức năng chứng nhận. Ngoài ra, tận dụng ưu thế máy móc hiện đại, công ty còn hỗ trợ thu mua, sơ chế lạc theo yêu cầu của người dân trên địa bàn.

Anh Vũ cho biết, hiện tại, các sản phẩm của công ty như dầu lạc nguyên chất, dầu mè nguyên chất, bơ đậu phộng, dầu gấc đều vinh dự đạt chứng nhận OCOP 3 sao đến 4 sao cấp tỉnh. Mặc dù so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, các sản phẩm mang thương hiệu Super Green có giá bán cao hơn nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng.

Ngoài các cửa hàng nông sản sạch, dầu lạc Super Green còn có mặt trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn như Co.op Mart, Aeon Mall. “Thời gian tới công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy, cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng công suất chế biến, nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm mới.

Đồng thời, tiến hành mở rộng liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân theo hướng bền vững, trong đó hướng đến đồng hành với nông dân tập trung sản xuất có chất lượng”, anh Vũ cho hay.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/san-pham-ocop-ke-chuyen-191189.htm