Sản phẩm OCOP vươn xa
Đồng Nai hiện có 150 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với 75 chủ thể được công nhận, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà đã xuất khẩu với số lượng không nhỏ.
Xuất khẩu nấm mèo đen
Gia đình chị Đào Ngọc Hồng Thanh (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) có truyền thống trồng nấm mèo đen (mộc nhĩ). Trước đây, gia đình chị và những hộ dân quanh vùng chủ yếu bán nấm mèo thô cho các thương lái, thường xuyên bị ép, giá trị sản phẩm nấm mèo thô cũng không cao.
Năm 2009, vợ chồng chị Thanh đã thành lập Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng Nutriworld nhằm chủ động hơn trong khâu đầu ra của sản phẩm; đồng thời, nâng cao giá trị của sản phẩm để xuất khẩu đi các nước như: Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Pháp... Đến nay, sản phẩm nấm mèo đen của gia đình chị Thanh đã đạt OCOP 3 sao, chuẩn bị lên 4 sao.
Chị ĐÀO NGỌC HỒNG THANH, Phó giám đốc Công ty TNHH Thế giới dinh dưỡng Nutriworld cho hay: “Hiện nay, 90% sản lượng nấm mèo đen của công ty được xuất đi các nước châu Âu và nhiều nước khác, khoảng 10% được bán trong nước”.
“Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà công ty xuất khẩu số lượng nấm mèo phù hợp, dao động từ 5-10 tấn nấm/tháng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngoài số nấm tự sản xuất được, chúng tôi còn đặt hàng bà con trồng nấm trong khu vực với sản lượng từ 50-60 tấn nấm/năm. Nhờ đó, công ty có nấm để xuất khẩu quanh năm” - chị Thanh chia sẻ.
Để sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, công ty của chị Thanh đã nghiên cứu nuôi trồng, thu mua, sơ chế và đóng gói nấm mèo đen theo tiêu chí 3 không: không phân bón, không thuốc hóa học, không chất bảo quản. Nấm mèo đã qua sơ chế làm sạch có hạn sử dụng lên đến 2 năm nếu được bảo quản đúng cách.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận, vợ chồng chị Thanh còn rất quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh. Quá trình sản xuất nấm mèo, nước được xử lý qua hầm 3 ngăn trước khi thải ra hệ thống thải công cộng. Khói hơi nước tự tan biến, rác thải dân dụng được công ty thu gom gom về xử lý. Riêng rác thải từ nguyên liệu (chân nấm) được người dân trong khu vực thu gom về để nuôi trùn quế và làm phân bón.
Nâng tầm thương hiệu
Với mong muốn khơi thông đầu ra cho các sản phẩm được làm từ sen, năm 2000, bà Nguyễn Thị Bích Lệ (H.Nhơn Trạch) đã thành lập cơ sở để thu mua toàn bộ số sen của người dân địa phương. Sau đó, bà Lệ chế biến sen thành các sản phẩm như: trà sen, bột sen, hạt sen sấy…
Để đưa sản phẩm vươn xa, tháng 6-2020, bà Lệ liên kết với 50 hộ dân trong huyện để trồng và bao tiêu sen, thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát. Đồng thời, tiến hành các thủ tục để cho ra đời logo thương hiệu Trường Phát, chứng nhận OCOP, ISO 2018… đối với các sản phẩm làm từ sen.
Đến nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Phát có 1 nhà xưởng chế biến sản phẩm với diện tích 200m2 với 50 công nhân làm việc. HTX đã chế biến được 19 sản phẩm từ cây sen, trong đó có 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP (13 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao).
Bà Lệ tâm sự, hơn 20 năm qua, bà ăn cùng sen, ngủ cùng sen và luôn đau đáu tìm đầu ra cho cây sen quê nhà. Ngoài kiến thức có được, bà Lệ thường xuyên lên mạng hoặc đi thực tế ở những nơi khác để học hỏi kinh nghiệm, đưa ra giải pháp tối ưu cho sự phát triển của HTX.
Đến nay, các sản phẩm làm từ sen của HTX Dịch vụ Trường Phát đã được 68 đại lý trong cả nước bày bán. Các sản phẩm này đang được đưa vào các siêu thị của Đồng Nai; kết nối với hệ thống siêu thị của TP.HCM để tiêu thụ.
Trong khi đó, sản phẩm nhang thảo mộc của chị Lê Thị Cẩm Vân (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vfarm) đang nỗ lực để chinh phục những thị trường khó tính và đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chị Vân chia sẻ, mục đích mà chị hướng tới khi sản xuất nhang thảo mộc chính là sức khỏe của người tiêu dùng. Nhang được làm từ các loại thảo mộc như: sả, hương bài, vỏ bưởi, vỏ quế... Các loại thảo mộc được phơi khô, nghiền thành bột, khuấy trộn để làm nhang, mùi hoàn toàn tự nhiên, không có bất kỳ hóa chất nào.
“Do được làm từ thảo mộc, chất lượng, hình ảnh tốt nên giá một bó nhang thảo mộc cao gấp 3 so với các loại nhang không có nhãn mác, thương hiệu. Mặc dù giá thành cao nhưng tôi nghĩ khi người dân có ý thức hơn về tầm quan trọng của sức khỏe, họ sẽ không ngần ngại lựa chọn nhang thảo mộc” - chị Vân nói.
Ngoài sản phẩm nhang thắp, cơ sở của chị Vân đang chuẩn bị cho ra đời dòng sản phẩm nhang nụ để xông nhà, bột xông nhà, xông giải cảm…
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/san-pham-ocop-vuon-xa-3167396/