SẢN PHỤ CHỊU ĐỰNG RONG KINH SUỐT BẢY NĂM VÌ VẾT KHUYẾT CỦA SẸO MỔ LẤY THAI

Vừa qua, ê kíp bác sĩ Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân nữ có vết khuyết sẹo mổ lấy thai, vết khuyết gây ra tình trạng rong kinh hơn 20 ngày một tháng trong suốt bảy năm

Chị H.T.T (37 tuổi) trú tại Nông Sơn, Quảng Nam đến thăm khám tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình vì chu kỳ hành kinh kéo dài hơn 20 ngày trong một tháng kèm với đau bụng âm ỉ khiến cho cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Chị cho biết đã chịu đựng tình trạng này kể từ khi sinh mổ em bé thứ hai, tính từ năm 2015 đến nay đã được bảy năm.

Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, kết quả siêu âm đầu dò tử cung ghi nhận đoạn sẹo mổ cũ với hình ảnh khuyết đáy sẹo kích thước 8.6*7*13 mm ở tử cung kèm ứ dịch. Sau khi ê kíp Bác sĩ CKII Trương Quốc Việt và Thạc sĩ Bác sĩ Lê Như Ngọc hội chẩn, xác định khuyết sẹo mổ cũ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại, chị T được tư vấn nhập viện, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật nội soi tạo hình đoạn vết mổ lấy thai.

Ê kíp bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình vết mổ lấy thai.

Ê kíp bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật nội soi tạo hình vết mổ lấy thai.

Bác sĩ CKII Trương Quốc Việt (Khoa Phụ Sản - Bệnh viện Gia Đình, từng 12 năm công tác tại BV phụ sản Trung Ương), cho biết: ca phẫu thuật này đặt ra cho ekip nhiều thách thức, trong phẫu thuật ghi nhận tử cung của chị T đã dính chặt vào thành bụng trước trong khi bàng quang treo rất cao kèm với tình trạng tụ dịch ở vết khuyết sẹo. Để xử trí được tình huống này, ekip bác sĩ đã tiến hành kết hợp cả phương pháp mổ nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng. Bóc tách thật cẩn thận, gỡ dính từng ít một để giải phóng tử cung, đẩy bàng quang xuống thấp, cắt lọc đoạn cơ tử cung tại vị trí sẹo cũ, khâu phục hồi vết sẹo mà không gây tổn thương thêm cho tử cung cũng như các cơ quan lân cận.

Trải qua 1h30 phút, ca phẫu thuật kết thúc, chị T được chuyển về phòng hậu phẫu và tiếp tục được chăm sóc. Chị được xuất viện năm ngày sau phẫu thuật, khi sức khỏe ổn định, vết mổ đã khô, có thể tự đi lại, ăn uống. Bác sĩ Việt cho biết thêm: Mặc dù thời gian phục hồi sau phẫu thuật khuyết sẹo mổ của bệnh nhân tương đối nhanh chóng nhưng quá trình theo dõi và quản lý bệnh sẽ cần phải kéo dài sau đó từ 3-5 tháng. Bác sĩ sẽ xem xét chu kỳ kinh nguyệt, hiện tượng rong kinh, đau bụng kèm với kết quả siêu âm kiểm tra lại để kết luận mức độ thành công của cuộc phẫu thuật.

Khuyết sẹo vết mổ cũ thường biểu hiện qua tình trạng chu kỳ hành kinh 3-4 ngày đầu rất bình thường nhưng sau đó rong kinh sẽ kéo dài, mỗi lần ra ít máu nâu sẫm kèm tức bụng nhẹ. Phẫu thuật sẽ được thực hiện khi bệnh nhân điều trị nội khoa thất bại. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì rong kinh kéo dài, nguy hiểm hơn khuyết sẹo vết mổ cũ dẫn đến khó có thai cho lần sau, gây hiếm muộn. Trước chị T, đã có sản phụ nhập viện phẫu thuật với tình trạng tương đương, và kết quả ghi nhận sau ba tháng triệu chứng rong kinh chấm dứt, kết quả siêu âm kiểm tra không còn hình ảnh tụ dịch ở đoạn vết mổ lấy thai cũ, chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng rong kinh, đau bụng âm ỉ,... bệnh nhân nên đến các Cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/san-phu-chiu-dung-rong-kinh-suot-bay-nam-vi-vet-khuyet-cua-seo-mo-lay-thai-post266208.html