Sẵn sàng bắt nhịp với y tế thông minh
Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Đây là cơ hội quý giá để ngành y tế TP tiếp cận các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực y học...
Ngày 14-12, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế y tế thông minh nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.
Tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
Quyết tâm xây dựng y tế thông minh
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thời gian qua ngành y tế TP đã triển khai nhiều ứng dụng thông minh như: Trung tâm Điều hành cấp cứu thông minh của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố; phẫu thuật robot tại Bệnh viện (BV) Bình Dân; BV số tại BV Quận Thủ Đức; ứng dụng SMS trong quản lý đái tháo đường thai kỳ từ xa tại BV Hùng Vương; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận y học cá thể để điều trị ung thư tại BV Ung bướu TPHCM; ứng dụng trí tuệ nhân tạo của hệ thống Robot Modus V Synaptive trong phẫu thuật thần kinh tại BV Nhân dân 115.
Đặc biệt là “vườn ươm sáng tạo” với hàng loạt sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh của BV Quân dân y miền Đông là “điểm sáng” mang đến sự hài lòng của người dân.
Thẳng thắn thừa nhận, các ứng dụng y tế thông minh tại TPHCM mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm khởi đầu. Để ngành y tế bắt nhịp với y tế thông minh, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, TP cần có những bước phát triển sáng tạo trong thời gian tới.
Cụ thể như: củng cố hạ tầng CNTT; xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành y tế; tập hợp các chuyên gia CNTT và hình thành “Ban CNTT” của Sở Y tế, hướng đến thành lập Trung tâm CNTT của ngành y tế; chủ động học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới; chọn lựa ưu tiên theo từng giai đoạn. Song song đó, cần có quyết tâm của người đứng đầu các BV và cơ sở y tế, sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP.
“Trước mắt, ngành y tế hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử tại các trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế quận, huyện. Cùng với đó, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử. Trung tâm Cấp cứu 115 điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ứng dụng CNTT giúp phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm… Riêng Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, xây dựng các ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Tiền đề phát triển đô thị thông minh
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, ngày 26-11-2017, UBND TP đã tổ chức hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Bên cạnh việc triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh, đề án cũng tập trung thực hiện các giải pháp thông minh - những nhu cầu cấp thiết hiện nay của TP theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền số, giao thông, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân… Thời gian qua, ngành y tế TP đã nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân tại TP và các tỉnh phía Nam.
“Việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Đây là cơ hội quý giá để ngành y tế TP tiếp cận các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực y học hướng đến công tác quản lý, điều hành hoạt động, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ngày càng tốt hơn của các BV và các cơ sở y tế trên địa bàn TP, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cảm ơn những người có đóng góp bước đầu cho y tế thông minh. Hiện ngành y tế TPHCM không chỉ chăm sóc cho 9 triệu người dân TP, 4 triệu người dân vãng lai mà còn chăm sóc cho khoảng 30 triệu người dân cả khu vực phía Nam, nên hệ thống y tế TP quá tải là điều hiển nhiên. Việc ứng dụng CNTT sẽ giảm sự quá tải cho hệ thống y tế TP. Khi ứng dụng CNTT, người dân có thể không đến cơ sở y tế hoặc được điều trị tuyến dưới không cần về TP và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng lên, ít tốn chi phí hơn.
“Kết quả trao đổi tại hội thảo là khởi đầu tốt đẹp và chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển y tế TP mạnh mẽ trong thời gian tới. Và để làm được điều đó, cần thời gian và rất gian nan nên các chuyên gia, đại diện đơn vị cần phải trách nhiệm hơn, yêu nghề hơn, dũng cảm hơn mới thành công trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo TP cam kết có sự ủng hộ tích cực nhất về chương trình y tế thông minh của TP”, đồng chí Trần Lưu Quang khẳng định.
Sản phẩm được bình chọn giải thưởng “Y tế thông minh” năm 2019
Chiều 14-12, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế y tế thông minh, Sở Y tế đã công bố và trao giải thưởng “Y tế thông minh” năm 2019 của ngành y tế TP cho 20 sản phẩm xuất sắc. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, tính vượt khó, dám nghĩ dám làm, tăng thêm giá trị cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà các BV cung ứng đến người dân.
4 giải nhất thuộc về các sản phẩm: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi: Robot Davinci” của BV Bình Dân; “Mô hình bệnh viện số” của BV Quận Thủ Đức; “Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh trật tự trong BV: Code Gray” của BV Nhân dân Gia Định và “Giải pháp thay thế CPU truyền thống bằng Raspberry Pi giúp tiết kiệm kinh phí và bảo vệ môi trường” của BV Nhi đồng 1.
8 giải nhì thuộc về các sản phẩm: “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại thần kinh: robot Modus V Synaptive” của BV Nhân dân 115; “Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo”” của BV Quân dân y miền Đông; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp cận y học cá thể trong điều trị ung thư” của BV Ung bướu TPHCM; “Ứng dụng IoT để quản lý và điều phối máy giúp thở giữa các khoa trong toàn bệnh viện” của BV Nguyễn Tri Phương; “Phần mềm quản lý báo cáo sự cố: IRS” của BV Hùng Vương; “Hệ thống cảnh báo nguy cơ dinh dưỡng để can thiệp sớm” của BV Chợ Rẫy và “Phần mềm quản lý sử dụng kháng sinh hạn chế” của BV Bệnh nhiệt đới.
8 giải ba thuộc về các sản phẩm: “Hệ thống nhắc kê đơn cho bác sĩ nhi khoa” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng các thuật toán tiên tiến giúp xạ trị trúng đích” của BV Ung bướu TPHCM; “Giải pháp điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện” của Trung tâm Cấp cứu 115; “Phần mềm giám sát tuân thủ an toàn người bệnh trong phẫu thuật” của BV Nhi đồng 1; “Ứng dụng công nghệ làm tăng thêm giá trị của hệ thống xét nghiệm” của BV Nhi đồng TP; “Phần mềm để người bệnh cùng kiểm tra thông tin trước mổ” của BV Mỹ Đức Phú Nhuận; “Thân thiện hóa giọng đọc của máy khi gọi tên người bệnh” của BV Quận 1 và “Ứng dụng camera thông minh giám sát rửa tay” của BV Truyền máu - Huyết học. Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã trao giải triển vọng cho “Các sản phẩm công nghệ phục vụ người bệnh từ “vườn ươm sáng tạo”” của BV Quân dân y miền Đông.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/san-sang-bat-nhip-voi-y-te-thong-minh-634984.html