Sẵn sàng các công cụ hỗ trợ đơn vị bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số

Ngoài việc cung cấp công cụ để cửa hàng, hộ kinh doanh tự đánh giá mức độ chuyển đổi số, Bộ TT&TT cũng chỉ đạo doanh nghiệp công nghệ số chuẩn bị sẵn sàng những công cụ hỗ trợ đơn vị bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số.

'Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hãy bắt đầu từ thương mại điện tử'

Ngày 26/6, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã chủ trì hội nghị chuyên đề về kinh tế số, chủ đề ‘Thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ’.

Diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội nghị có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc 3 bộ: Công Thương, KH&ĐT, NN&PTNT; một số đơn vị trong Bộ TT&TT; các hội, hiệp hội; các doanh nghiệp công nghệ số, bưu chính cùng đại diện Sở TT&TT, Sở Công Thương trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội nghị chuyên đề ‘Thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ’. Ảnh: GP

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội nghị chuyên đề ‘Thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ’. Ảnh: GP

Khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, trong đó có việc số hóa các ngành, lĩnh vực, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20% vào năm 2025. Nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy các địa phương cũng đều có chỉ tiêu về kinh tế số. Năm 2024, chủ đề chuyển đổi số đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Chỉ rõ quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Đặc tính của thương mại điện tử là không có ranh giới, do đó nếu các địa phương, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không chuyển đổi sẽ bị mất ‘mặt trận’, mất thị trường.

Theo Thứ trưởng, trong phát triển kinh tế số, thương mại điện tử là cái đầu tiên các địa phương cần tham gia thúc đẩy và lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. “Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hãy bắt đầu từ thương mại điện tử”, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ về định hướng phát triển thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: GP

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ về định hướng phát triển thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: GP

Chia sẻ góc nhìn của Bộ Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh sự cần thiết phát triển thương mại điện tử bền vững, với 5 yếu tố gồm: Tăng trưởng ổn định, tích cực; Tạo ra sự cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên; Phát triển xanh; Tạo niềm tin; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Thương mại điện tử Việt Nam đã liên tục tăng trưởng trong 15 năm gần đây, với tốc độ dao động từ 27 – 30%. Định hướng đến năm 2025 là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời nâng tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước từ 8% năm 2023 lên đạt 10% vào năm 2025. Tỷ lệ dân số mua sắm trực tuyến hiện nay khoảng 50%, và mục tiêu đến năm 2025 đạt 61%.

Cập nhật thông tin về hoạt động bán buôn, bán lẻ, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), cho hay Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống này đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, giá trị gia tăng của lĩnh vực bán buôn hiện là 544.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP.

“Cần chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn”, ông Trần Minh Tuấn nêu quan điểm.

Đơn vị bán buôn, bán lẻ có thể tự đánh giá mức độ chuyển đổi số

Tại hội nghị, cùng với việc thống nhất quan điểm cho rằng thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, Sở TT&TT TP.HCM và các doanh nghiệp Metric, Viettel Post, MISA đã trao đổi về giải pháp, cách làm, mô hình hay để chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, để phát triển thương mại điện tử bền vững, phục vụ cả hoạt động bán buôn và bán lẻ, cần có sự phối hợp, chia sẻ và chung tay của toàn bộ cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành hỗ trợ của Bộ TT&TT, các sở TT&TT trong phát triển thương mại điện tử, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị được hỗ trợ các nền tảng công nghệ để tham gia bán buôn, bán lẻ trên môi trường số; Hỗ trợ ứng dụng các công nghệ để vừa đáp ứng quy trình xanh vừa hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động thương mại điện tử.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn đề xuất hướng triển khai chuyển đổi số hoạt động bán buôn, bán lẻ. Ảnh: GP

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn đề xuất hướng triển khai chuyển đổi số hoạt động bán buôn, bán lẻ. Ảnh: GP

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số Trần Minh Tuấn, từ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam, cơ quan này đã xác định lộ trình chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ đều gồm 3 giai đoạn là sẵn sàng, tăng trưởng và đột phá, trong đó bán buôn gồm 15 chức năng và bán lẻ có 12 chức năng.

Trang thông tin đánh giá chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại địa chỉ khaosat.smedx.vn cũng đã được xây dựng. Theo đó, thời gian tới, các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ có thể tự đánh giá được mức độ chuyển đổi số và được khuyến nghị sử dụng các công cụ số để chuyển đổi số hoạt động của đơn vị mình.

Bên cạnh các đề xuất cụ thể với địa phương, doanh nghiệp công nghệ số và hộ kinh doanh, ông Trần Minh Tuấn cũng đề xuất 2 bộ TT&TT và Công Thương phối hợp tổ chức đánh giá các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại cổng smedx.vn trong quý III/2024. Dự kiến, số liệu sẵn sàng chuyển đổi số doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại địa phương sẽ được công bố vào tháng 10/2024.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, 2 bộ TT&TT và Công Thương sẽ thống nhất xây dựng và triển khai một chương trình hành động về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hoạt động bán buôn, bán lẻ. Ảnh: GP

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, 2 bộ TT&TT và Công Thương sẽ thống nhất xây dựng và triển khai một chương trình hành động về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số hoạt động bán buôn, bán lẻ. Ảnh: GP

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định 2 bộ TT&TT và Công Thương sẽ đồng hành và triển khai quyết liệt các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế số, trước mắt là chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ. Kế hoạch triển khai sẽ do Vụ Kinh tế số và Xã hội số cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp xây dựng. Về cách làm, 2 bộ TT&TT và Công Thương sẽ có hướng dẫn chung cho 63 địa phương. Tuy nhiên, sẽ chọn làm thí điểm tại TP.HCM và 1 tỉnh quy mô vừa khác, trước khi xem xét nhân rộng mô hình mẫu.

Yêu cầu các đơn vị hoàn thiện trang đánh giá, các sản phẩm công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ theo hướng đơn giản, dễ dùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long cam kết: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn sàng các công cụ trên môi trường số để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số hoạt động bán buôn, bán lẻ của cửa hàng, doanh nghiệp mình”.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/san-sang-cac-cong-cu-ho-tro-don-vi-ban-buon-ban-le-chuyen-doi-so-2295591.html