Sẵn sàng các phương án ứng phó dịch bệnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện có 1.453 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng, 7.532 công nhân lao động mất việc làm và 28.014 người thiếu việc. Các cấp công đoàn Thủ đô đang chủ động phối hợp với người sử dụng lao động triển khai công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra tại doanh nghiệp.

Đại diện Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trao quà hỗ trợ các đoàn viên, công nhân tại điểm cách ly khu nhà ở công nhân (huyện Đông Anh). Ảnh: Lương Hằng

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, mấy ngày qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm nhiều trường hợp F0 có yếu tố dịch tễ liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang. Hiện nay, đã có tới 101 đoàn viên, người lao động là F0, 2.067 người F1, 5.549 người F2 và F3, F4 là 13.839 người. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 7.532 công nhân lao động mất việc làm, 28.014 người thiếu việc.

Tại Công ty TNHH Canon Việt Nam có tới 3.991 công nhân lao động phải nghỉ việc. Trong đó, có 3.465 công nhân lao động Nhà máy Canon Quế Võ và 242 công nhân lao động Nhà máy Canon Tiên Sơn. 200 công nhân lao động tại Công ty TNHH Nippo Mechatronics (Việt Nam) phải nghỉ việc nhưng được hưởng 75% lương do tình hình dịch bệnh, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phụ trợ bị đứt gãy.

Công đoàn ngành Dệt may có công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Đức nằm trên địa bàn thôn Kênh Đào (huyện Mỹ Đức). Sau khi chính quyền địa phương phong tỏa thôn và xác định công ty có 2 ca F2 và 7 ca F3. Hiện tại, 41 công nhân lao động đang cách ly tại nhà theo yêu cầu của công ty và chính quyền địa phương.

Đáng ngại, đã xuất hiện các trường hợp F0 là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam và Công ty TNHH Molex Việt Nam đều thuộc Khu công nghiệp Thăng Long.

Xác định ổ dịch tại 2 đơn vị trên tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản đã chỉ đạo cán bộ công đoàn chuyên trách phối hợp với công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp, Ban Thường vụ Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiến hành khảo sát nhu cầu của người lao động trong các khu cách ly, tặng một số nhu yếu phẩm thiết yếu như: Chăn, bánh ngọt, sữa, khăn rửa mặt, bàn chải đánh răng… tại các điểm cách ly để giúp người lao động vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại. Về phía công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam, cũng đã tham mưu ban lãnh đạo, hỗ trợ mỗi công nhân lao động trong thời gian cách ly 200.000 đồng/ngày.

Do có lượng công nhân lao động tập trung đông nên nguy cơ bùng dịch tại các khu công nghiệp là rất lớn nếu không được kiểm soát tốt. Bởi vậy, kịch bản phòng, chống dịch và ổn định quan hệ lao động tại các khu công nghiệp cũng đã được hoàn thiện với nhiều cấp độ. Song song đó, các cấp công đoàn thành phố Hà Nội đã chủ động rà soát, chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố với tổng số tiền là 27,75 tỷ đồng. Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho hay, bên cạnh các phương án ứng phó nêu trên, việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu khi ổ dịch tại Khu công nghiệp Thăng Long được khống chế hoàn toàn. Theo thống kê, đã có 13.268 công nhân lao động đã được tiêm vắc xin đợt 1, trong đó Khu công nghiệp Thăng Long có 3.600 công nhân.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện. “Trong tháng 7-2021, sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm thụ hưởng Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng, thì nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1006060/san-sang-cac-phuong-an-ung-pho-dich-benh