Sẵn sàng cuộc đua đánh giá năng lực vào đại học lớn nhất cả nước
TP.HCM là địa phương có đông thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 nhất với hơn 51.000 em tại 35 địa điểm thi của 7 trường đại học.
Sáng 30-3, hơn 128.000 thí sinh trên cả nước sẽ chính thức thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại 25 tỉnh/thành. Đây là đợt thi có số thí sinh (TS) đông nhất trong 8 năm tổ chức kỳ thi. Kết quả kỳ thi được dùng để xét tuyển vào hơn 100 trường ĐH-CĐ.
2 điểm nhấn đặc biệt của kỳ thi
Trao đổi với báo PLO ngày 26-3, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đến nay công tác chuẩn cho kỳ thi đánh giá năng lực đã sẵn sàng.
Theo đó, kỳ thi đợt 1 có hơn 128.000 TS dự thi, trong đó tại TP.HCM đông nhất với hơn 51.000 TS. Đây là đợt thi có đông TS nhất trong 8 năm qua vì các em muốn tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là những trường và những ngành cạnh tranh cao.
ĐH Quốc gia TP.HCM đã phối hợp với 55 cơ sở giáo dục ĐH để tổ chức thi tại 25 tỉnh/thành phố, 118 địa điểm thi nên thuận lợi cho TS, không còn cảnh TS phải vất vả di chuyển xa. Kỳ thi cũng huy động đến hơn 8.000 cán bộ làm công tác coi thi.
Tham dự kỳ thi, TS sẽ làm bài thi đánh giá năng lực trên giấy bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong150 phút.
Điểm đặc biệt nữa là năm 2025, cấu trúc bài thi được điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì đây là năm đầu tiên học sinh theo học chương trình mới tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, đề thi vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ (60 câu) và Toán học (30 câu) với số lượng câu hỏi được điều chỉnh tăng hơn.
Còn phần ba trước đây là Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề thì năm nay được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học với 30 câu. Ở phần này, các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm. Từ đó, TS thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
“Việc điều chỉnh sẽ đánh giá chính xác năng lực học ĐH của TS, đồng thời bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH cho tất cả TS, nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em rất đa dạng” – Tiến sĩ Chính nhấn mạnh.


Các cán bộ, chuyên viên tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đang kiểm dò lại giấy tờ, hồ sơ để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực vào sáng Chủ nhật (ngày 30-3 tới đây). Ảnh: IU
Cẩn trọng để không bị trừ điểm, dừng thi
Theo kế hoạch, TS sẽ bắt đầu vào làm bài thi đánh giá năng lực vào lúc 8 giờ 30 phút sáng chủ nhật (30-3) và kết thúc vào 11 giờ.
Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét tuyển vào hơn 100 trường ĐH-CĐ. Do đó, để có kết quả tốt nhất, bên cạnh học tốt kiến thức các môn học ở phổ thông, TS cần nắm vững vững những quy định cần thiết khi đi thi để tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc.
Cụ thể, theo quy định của Hội đồng thi Kỳ thi đánh giá năng lực, TS phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi. TS đến chậm quá 15 phút (tính từ cửa phòng thi) sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
“Khi đi thi, TS phải mang theo bản chính giấy báo dự thi (TS tự in trên hệ thống) và bản chính thẻ căn cước/CCCD/hộ chiếu, nếu không có sẽ không được dự thi” – quy định nêu rõ.
Đặc biệt, một điểm mới trong quy định dành cho TS khi đi thi năm nay là TS không được mang Atlat Địa lí Việt Nam vào phòng thi như mọi năm. Lí do, năm nay đề thi được cấu trúc lại theo Chương trình phổ thông mới nên nên không còn nội dung cụ thể của môn Địa lý như mọi năm và cũng sẽ không có câu hỏi nào cần đến Atlat.
“TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì đen, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, gửi – nhận thông tin, ghi âm – ghi hình, không có thẻ nhớ lưu trữ dữ liệu” – Tiến sĩ Chính nhấn mạnh.
Trong thời gian làm bài thi, Hội đồng thi cũng quy định TS không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi. Trường hợp cần thiết ra ngoài phải có sự cho phép và giám sát nghiêm ngặt.
Đồng thời, TS không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Nếu vi phạm, TS sẽ bị lập biên bản và xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, thậm chí đình chỉ thi.
Trong một số trường hợp TS sẽ bị đình chỉ ngay, như TS đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; mang vào khu vực thi và phòng thi những tài liệu, vật dụng trái phép...
Cạnh đó, trong thời gian làm bài, TS cũng không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. TS chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm, đề thi, giấy nháp của cả phòng thi và cho phép ra về.
Thí sinh cần chuẩn bị tốt về sức khỏe, không nên cố học thêm
Trong thời gian trước ngày thi, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM khuyên TS không nên học thêm nữa vì nạp thêm kiến thức cũng không được nhiều. Thay vào đó, TS cần hệ thống hóa những kiến thức đã học và chuẩn bị sẵn sàng giấy tờ tùy thân, đồ dùng cần thiết để đi thi.
TS cần chủ động tìm hiểu và có phương án di chuyển từ nhà đến điểm thi để không bị động vào ngày thi.
Đặc biệt, TS cần chuẩn bị sức khỏe thể chất cũng như tinh thần thật tốt, như cố gắng ăn uống đầy đủ, sinh hoạt điều độ, không thức khuya dậy sớm….
“Khi các bạn hệ thống được kiến thức, có thể trạng tốt nhất và thoải mái nhất thì 150 phút trong phòng thi sẽ giúp các bạn thể hiện đúng năng lực của mình” – Tiến sĩ Chính nhắn nhủ.