Sẵn sàng đón năm học mới

Chỉ nửa tháng nữa, cùng với học sinh cả nước, hơn 2,3 triệu học sinh phổ thông và trẻ mầm non Hà Nội sẽ chính thức bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Đây là năm học có ý nghĩa quan trọng khi là năm học đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12, năm có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Với số lượng học sinh tăng mạnh, việc giải quyết bài toán chỗ học cho học sinh vẫn là ưu tiên số 1 với thành phố.

Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) bước vào năm học 2024 - 2025 với cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy) bước vào năm học 2024 - 2025 với cơ sở vật chất mới khang trang, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Quang

Ưu tiên dành đất xây trường học

Năm học 2024 - 2025, quy mô giáo dục Hà Nội có khoảng hơn 2.800 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với hơn 2,3 triệu học sinh. Với vị thế là Thủ đô, mức độ gia tăng dân số cơ học mạnh, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng từ 40.000 đến 60.000 học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo đứng trước thách thức do thiếu trường, lớp học.

Trước thềm năm học mới, nhân dân Thủ đô đón tin vui khi UBND thành phố có quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đô thị ở nhiều quận, huyện, nhất là tại các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung đông dân cư như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, Hà Đông, Cầu Giấy, Đan Phượng... Ông Trần Tuấn Anh, cư dân chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - nơi có mật độ dân số thuộc nhóm cao nhất thành phố), cho biết, cuối tháng 4-2024, người dân, đặc biệt là các gia đình có con trong độ tuổi đi học mầm non, phổ thông rất vui mừng khi có thông tin rằng trong năm nay trên địa bàn sẽ khởi động dự án xây dựng thêm 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học. “Số lượng chung cư trên địa bàn phường ngày càng nhiều, đa phần là các gia đình trẻ nên nhu cầu gửi con ở bậc mầm non và tiểu học rất lớn. Vì thế, có thêm trường học là mong mỏi rất lớn của cư dân ở đây” - ông Trần Tuấn Anh bày tỏ.

Còn nhớ, vào tháng 8-2022, phụ huynh học sinh trên địa bàn phường Hoàng Liệt phải bốc thăm giành suất cho con vào học Trường Mầm non Hoàng Liệt, do số lượng trẻ trong độ tuổi đến lớp quá cao, mạng lưới trường công lập không thể đáp ứng. Trên địa bàn cũng có các nhóm lớp, trường mầm non tư thục, tuy nhiên, mức học phí tư thục thường cao hơn khá nhiều so với công lập, nên gửi con vào trường công lập vẫn là nguyện vọng lớn nhất của phụ huynh học sinh.

Nhiều địa phương khác cũng nhận được tin vui về xây dựng trường học. Như quận Thanh Xuân sẽ có thêm trường học tại phường Khương Đình; huyện Đan Phượng sẽ có thêm trường phổ thông nhiều cấp học ở xã Tân Hội...

Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng bổ sung trường học là chủ trương được thành phố Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu cao nhất là bảo đảm đáp ứng tốt nhất nguyện vọng học tập, không để xảy ra hiện tượng học sinh cư trú trên địa bàn không có chỗ học. Ở nhiều địa bàn, chính quyền địa phương và nhà trường đành “hy sinh” chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chấp nhận sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định (Điều lệ trường học quy định không quá 35 học sinh/lớp đối với tiểu học; không quá 45 học sinh/lớp với trung học cơ sở) để ưu tiên bố trí chỗ học cho học sinh.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Vũ Minh

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội đã sẵn sàng bước vào năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Vũ Minh

Nhằm từng bước giảm áp lực về chỗ học ở cấp trung học phổ thông, chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu với lãnh đạo thành phố xây dựng thêm 2 trường công lập. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cấp trung học phổ thông hiện nay mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn so với các cấp học khác nên gây ra áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng vào học lớp 10 công lập. Nhiều năm gần đây, số học sinh tuyển vào lớp 10 công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức 60 - 62%. Giai đoạn 2025 - 2030, Thành phố đã có kế hoạch xây mới thêm 30 - 35 trường công lập, từng bước giảm áp lực thi cử cho học sinh...

Tiếp thêm động lực học tập

Cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và người dân cũng nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để trao quà, tặng học bổng cho học sinh nhằm tiếp thêm động lực và quyết tâm cho trẻ trước thềm năm học mới.

Là một trong số 50 học sinh ở huyện Ba Vì vừa được nhận quà hỗ trợ của Hội Khuyến học Hà Nội và Hội Khuyến học huyện Ba Vì, em Nguyễn Thị Mỹ Lệ, lớp 10A4 Trường Trung học phổ thông Minh Quang, chia sẻ: “Khi trúng tuyển vào trường, em vừa mừng lại vừa lo lắng. Mừng vì mình may mắn trúng tuyển trường công lập, nhưng mối lo học phí và các khoản tiền để chuẩn bị vào năm học mới là gánh nặng không nhỏ đối với gia đình em. Nhờ sự quan tâm của các cấp hội, em đã có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống và mua đồ dùng học tập. Sự quan tâm này giúp em có thêm động lực và quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt”.

Bên cạnh nguồn động viên về vật chất, hội viên các hội khuyến học, hội phụ nữ các địa phương cũng dành công sức, thời gian tổ chức các nhóm lớp học bổ trợ kiến thức, giúp các em thêm tự tin để đạt kết quả học tập tốt hơn trong năm học mới. Điểm sáng có thể kể đến là mô hình lớp học “Đồng hành cùng con” ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Từ 2 tháng nay, đều đặn mỗi tuần 2 buổi tối, tại Nhà văn hóa thôn Thu Quế của xã, cô giáo Nguyễn Thị Đông, giáo viên Trường Tiểu học Song Phượng (đã nghỉ hưu) cùng một số nhà giáo hưu trí đón các em học sinh ở nhiều độ tuổi đến đăng ký ôn tập. Học sinh được chia nhóm theo độ tuổi, có giáo viên phụ trách và kết nối với phụ huynh để cùng hỗ trợ đưa đón con đi học đúng giờ, an toàn. Việc củng cố kiến thức được thực hiện linh hoạt với phương châm “hổng đâu, bù đó” và hoàn toàn miễn phí. Theo cô giáo Nguyễn Thị Đông, đa phần các gia đình học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, việc học tập chưa được quan tâm nhiều. Từ khi mở lớp, các em có ý thức học hơn, đi học đều đặn và đúng giờ, việc học tập có tiến bộ. Kết quả này giúp người dạy thêm động lực, cố gắng giúp các em vững vàng hơn về kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào năm học mới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội cho biết, trong hè năm nay, các cấp hội khuyến học tích cực hỗ trợ học sinh bằng nhiều hình thức. Riêng ở cấp thành phố, Hội Khuyến học Hà Nội đã hỗ trợ gần 350 triệu đồng cho học sinh vượt khó học giỏi. Các học sinh ở địa bàn kinh tế khó khăn, vừa chịu thiệt hại do mưa lũ như huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín... được đặc biệt quan tâm. “Việc tặng quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập là hoạt động thường xuyên của các cấp hội khuyến học thành phố. Các phần quà tuy nhỏ, chỉ đỡ đần được phần nào cho các em về mặt vật chất, nhưng là nguồn động viên khích lệ, giúp các em vững tin học tập. Ngoài ra, Hội Khuyến học thành phố cũng nhân rộng mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”... nhằm khơi dậy, lan tỏa truyền thống hiếu học cũng như khích lệ sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân chăm lo cho việc học tập của con cái, góp phần cùng ngành Giáo dục Thủ đô hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024 - 2025” - bà Nguyễn Thị Ngọc Minh bày tỏ.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-sang-don-nam-hoc-moi-675095.html