Sẵn sàng hành lang pháp lý cho cải cách bộ máy
Tại kỳ họp bất thường lần thứ Chín sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Các luật, quy định tại kỳ họp đã, đang được lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân, được sự quan tâm góp ý, đáng chú ý là Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) sửa đổi. Sau khi thông qua, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương.
Trao “thanh kiếm” để HĐND phát huy quyền dân chủ
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có sự điều chỉnh khá toàn diện trên các mặt. Trong đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND có nhiều điều chỉnh. Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo dự án luật quy định đơn vị hành chính đô thị tại thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố, thị trấn: tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ HĐND và UBND. Đối với đơn vị hành chính nông thôn, tại tỉnh, huyện, xã (trừ xã thuộc đô thị) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ HĐND và UBND. Chỉ có quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
![Kiến nghị thành lập Tổ đại biểu HĐND ở cấp xã (nông thôn) được thông qua sẽ góp phần gắn chặt mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri. Ảnh: Bình Nguyên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_592_51435808/1d864dd776999fc7c688.jpg)
Kiến nghị thành lập Tổ đại biểu HĐND ở cấp xã (nông thôn) được thông qua sẽ góp phần gắn chặt mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri. Ảnh: Bình Nguyên
Theo cử tri Lê Hồng Thái - xã Ea'Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương như vậy là phù hợp với Hiến pháp 2013 trong quy định về tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị và nông thôn. Qua đánh giá thực hiện việc không tổ chức HĐND ở đô thị (quận, phường ở thành phố Hà Nội) đã góp phần tinh gọn bộ máy, hoạt động của HĐND thành phố được tăng cường hơn, nhất là khi Luật Thủ đô được thông qua, cùng với tăng số lượng đại biểu chuyên trách thì việc quy định như vậy là phù hợp, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thùy - đại biểu HĐND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đặc biệt tâm đắc với quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND ở cấp xã. Đây cũng là nội dung nhiều địa phương kiến nghị, tạo thuận lợi cho HĐND xã ở nông thôn hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Đặc biệt, sẽ phát huy được vai trò của cá nhân đại biểu, gắn liền với khu vực bầu cử, tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi bầu ra mình.
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, cũng có những quy định qua lấy ý kiến nhiều cử tri còn băn khoăn. Đơn cử như quy định tại Điều 18 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi: HĐND cấp huyện nói chung “Quyết định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật”; HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương “Quyết định chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, biện pháp quản lý dân cư ở đô thị”. Tuy nhiên, trong quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL hiện hành cũng như dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL sửa đổi, HĐND cấp huyện không được phép ban hành cơ chế, chính sách trừ khi được luật giao. Do đó, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần soát xét lại các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đồng thời, nên xem xét cụ thể trong Luật Ban hành văn bản QPPL sửa đổi trình tự, thủ tục để HĐND cấp huyện ban hành các cơ chế, chính sách, phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Cân nhắc tránh chồng chéo
Một vấn đề được nhiều cử tri và cả chuyên gia đặt ra là nếu kỳ họp bất thường xem xét Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì cần xem xét một luật liên quan chặt chẽ, đó là Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi). Theo bà Trịnh Thị Vân, thành phố Đà Nẵng thì không chỉ trình mà cần phải sửa Luật Ban hành văn bản QPPL song hành, hoặc đi trước các luật về tổ chức bộ máy. Sở dĩ như vậy bởi có quá nhiều quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL hiện hành sẽ chồng chéo, mâu thuẫn với dự thảo các luật về tổ chức bộ máy nói trên.
Trong thực tế, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo dự án Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi) và dự kiến Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Chính phủ sẽ trình Quốc hội. Thế nhưng cũng có những quy định trong dự thảo luật này đang chồng chéo với các luật về tổ chức bộ máy. Đơn cử như quy định về việc ban hành cơ chế, chính sách của HĐND cấp huyện trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sẽ chồng chéo với việc dự thảo dự án Luật Ban hành văn bản QPPL sửa đổi quy định HĐND cấp xã sẽ không được ban hành văn bản QPPL nữa, còn HĐND cấp huyện sẽ chỉ được ban hành văn bản QPPL khi được luật giao. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản QPPL thì HĐND cấp huyện không được ban hành cơ chế, chính sách nếu như luật không giao. Do đó, khi sửa Luật Ban hành văn bản QPPL cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để tạo thuận lợi cho HĐND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đang dự thảo như đã phân tích ở trên.
Tin tưởng mặc dù cần phải khẩn trương chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, cơ quan soạn thảo, Chính phủ sẽ tôn trọng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia cùng với ý kiến thẩm định, thẩm tra của cơ quan chức năng, các dự án luật trình kỳ họp sẽ bảo đảm chất lượng, đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.