Sẵn sàng nhân rộng Giáo dục STEM cho toàn cấp học ở Đồng Tháp
Sau thời gian thí điểm giáo dục STEM với nhiều thành tích nổi bật, ngành Giáo dục Đồng Tháp nhân rộng toàn cấp học trong năm 2023-2024.
Quan tâm đầu tư nhân rộng
Trong năm học mới 2023 - 2024, Đồng Tháp đã nhân rộng mô hình Giáo dục STEM cho toàn cấp học.
Bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng GDMN-TH (Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Để sẵn sàng nhân rộng mô hình giáo dục STEM, ngành giáo dục tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ hoạt động giáo dục STEM.
"Quan tâm triển khai hệ thống các không gian trải nghiệm khoa học, công nghệ giúp học sinh hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Ngoài ra việc tăng cường kết nối để phát huy nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục STEM cũng được lưu ý.
Để đầu tư cho mô hình giáo dục này, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội giáo dục STEM trong và ngoài nước", bà Thúy Anh cho biết thêm.
Việc đầu tư và thí điểm các công trình phục vụ cho STEM cũng được ngành GD các địa phương quan tâm hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hồng Ngự cho biết: Năm học này, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của chính quyền địa phương, ngành GD thành phố đưa vào hoạt động 3 phòng chức năng mới phục vụ cho STEM ở 3 cấp học.
"Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Việc đầu tư phát triển và nhân rộng mô hình giáo dục STEM mang lại nhiều hiệu quả quan trọng như: Giúp các em học sinh tư duy sâu rộng, thúc đẩy sự sáng tạo trong học đường.
Đồng thời, giúp phát triển kỹ năng cần thiết cho tương lai... Đây cũng là sự đầu tư giúp phát triển giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số giáo dục trong thời gian tới", bà Yến chia sẻ thêm.
Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ
Nhân rộng mô hình giáo dục STEM được các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng các cơ sở giáo dục, và đặc biệt là đội ngũ giáo viên Công nghệ và Tin học được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa.
Vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn giáo dục STEM cấp tiểu học cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động sẵn sàng nhân rộng giáo dục STEM của Đồng Tháp.
Thông qua tập huấn, thầy cô được chia sẻ về cách vận hành cũng như trao đổi về kiến thức chuyên môn sẽ là nền tảng cơ sở để sẵn sàng tiếp nhận, tự tin hơn cho hoạt động chuyên môn của mình.
Thầy cô được truyền tải, củng cố thêm nội dung về giáo dục STEM cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Việc tổ chức các hoạt động giáo dục STEM; Trải nghiệm bài học STEM và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, báo cáo viên lớp tập huấn giáo dục STEM cho biết: Việc nhân rộng mô hình giáo dục STEM là tùy vào điều kiện của từng địa phương. Mặc dù khi triển khai có nhiều khó khăn. Nhưng, sự mạnh dạn thay đổi của các cơ sở giáo dục là vấn đề then chốt nhất, trong đó có yếu tố con người là quyết định.
"Đồng Tháp thực hiện tốt công tác sẵn sàng nhân rộng mô hình giáo dục STEM là vì, ngoài sự hỗ trợ quyết tâm của lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh, thì địa phương này làm tốt công tác sắp xếp linh hoạt kế hoạch nhà trường để phù hợp với tính chất liên môn của giáo dục STEM, do đó có nhiều không gian và thời gian cho hoạt động STEM hơn", bà Trang cho biết thêm.
Giáo dục STEM là mô hình giáo dục trải nghiệm sáng tạo bao gồm liên kết các khối kiến thức về các lĩnh vực: Khoa học; công nghệ; kỹ thuật, sản xuất và toán học, đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ. Giáo dục STEM giúp học sinh hình thành và phát triển bốn kỹ năng: Sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.