Sản xuất công nghiệp 2023, chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất
Công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1% trong năm 2022. Song, trước những tác động không thuận từ thị trường thế giới, cần chủ động nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro.
Mặc dù ghi nhận ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp khoảng 25,6% trong GDP năm 2022, các sản phẩm công nghiệp chế biến chiếm tới 89% trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của cả nước. Song, đại diện ngành Công Thương cũng đã thẳng thắn nhìn nhận về những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong năm qua, từ việc giảm đơn hàng đến tiếp cận vốn, rồi năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến việc tiếp tục phải nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, cùng với coi trọng thị trường nội địa thì đây là một trong những “nút thắt” cần được tháo gỡ trong năm 2023 của ngành công nghiệp da giày.
“Chúng ta cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm. Chính sách thứ hai nữa là chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da… thì chúng ta cần những khu công nghiệp, dư địa để thu hút đầu tư phát triển.
Thứ ba nữa là áp dụng chuyển đổi số là một trong những giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm các chi phí cũng là một trong những cái để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp. Và đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta thấy hiện nay vẫn còn rất yếu và thiếu vấn đề về hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh của ngành thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh tổng cầu suy giảm nhưng cái đơn hàng của Việt Nam với những lợi thế cạnh tranh vẫn tiếp tục được duy trì để phục vụ cho ngành công nghiệp da giầy” - bà Phan Thị Thanh Xuân nói.
Còn theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ thì tiếp cận vốn tiếp tục là khó khăn nổi cộm trong năm 2023 cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
“Nguồn vốn hiện nay rất khó khăn. Mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có vào Hội nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguồn vốn vẫn còn khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì vậy Sở Công Thương Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương để tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải cụ thể để làm sao chỉ đạo các hệ thống tổ chức tín dụng giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mạch máu này tắc nghẽn thì rất khó” - ông Hà Vũ Sơn nêu ý kiến.
Từ thực tế tăng trưởng công nghiệp của 61/63 địa phương trong năm 2022 cho thấy cần tiếp tục phát huy các lợi thế của các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, qua đó đem lại tăng trưởng công nghiệp chung của cả nước cả trong trước mắt và lâu dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông Hồ Văn Mười đề xuất: “Về ngành công nghiệp đối với Đăk Nông hiện nay có một lượng lớn, trữ lượng hiện nay khoảng 5 tỷ tấn nguyên khai boxit. Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta sẽ trở thành một ngành chế biến sâu về nhôm. Nếu lộ trình chúng ta làm tốt được vấn đề này, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ làm tốt và giúp đỡ Đắc Nông thì trong tương lai Đắc Nông sẽ là một trong những Trung tâm chế biến sâu về nhôm, và đây là điều mà tôi nghĩ là tài sản này không riêng gì của Đắk Nông mà của cả quốc gia, cần phải khai thác sớm”.
Ghi nhận các đề xuất, góp ý của các địa phương, doanh nghiệp, với chức năng quản lý ngành, Bộ Công Thương khẳng định sẽ triển khai quyết liệt và có hiệu quả chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, khuyến khích các địa phương có tiềm năng về phát triển công nghiệp để hướng dẫn xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và các nguồn lực của địa phương, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Bắc và phía Nam với vai trò là đầu mối kết nối với các trung tâm của các địa phương về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, kết nối cung - cầu cũng như đóng vai trò là sàn giao dịch các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong vùng, dự kiến khởi công trong Quý I/2023; Đẩy nhanh công tác xây dựng các Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các Vùng Kinh tế trọng điểm, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện dự án Luật Phát triển công nghiệp để trình báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét thông qua trong giai đoạn 2023-2024 làm cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới; huy động tối đa mọi nguồn lực để tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là đầu tư vào các dự án lớn có tính chất lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng mới để góp phần phát triển kinh tế đất nước” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diện khẳng định, trong năm 2023 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng; Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp; Tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án công nghiệp có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; Thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, phân bón... bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu các loại hàng hóa, năng lượng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân./.