Sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2024: Những địa phương nào giữ được phong độ?

54/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trong 4 tháng đầu năm là kết quả đáng mừng, chứng tỏ sự hồi phục khá đồng đều của ngành công nghiệp.

Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện là hai “lực kéo” mạnh mẽ đối với tăng trưởng công nghiệp của khối địa phương.

Ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Phú Thọ; Bắc Giang; Hà Nam và Bình Phước... là những địa phương có chỉ số sản xuất tăng mạnh, lần lượt là những con số 29,6%; 24,14%; 15,5%; 15,2%...

Trong đó Bắc Giang, 4 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 23,96%, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 24,14%. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chính của tỉnh có mức tăng cao như: Quần áo, bộ comple tăng 12,7%; phân ure tăng 29,5%; tai nghe nối micro tăng 55,1%; đồng hồ tăng 94,4%; thức ăn chăn nuôi 39%; mạch điện tử 11,9%.

So sánh tốc độ tăng và giảm chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của 10 địa phương

So sánh tốc độ tăng và giảm chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 của 10 địa phương

Với Bình Phước, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,2%. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ, như: Thiết bị tín hiệu âm thanh khác tăng 1,17 lần; hạt điều khô tăng 28,71%; bàn bằng gỗ các loại tăng 37,24%; thịt gà đông lạnh tăng 22.28%; thức ăn cho gia cầm tăng 25,58%; dịch vụ sản xuất bao bì bằng kim loại tăng 16,91%...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm so với cùng kỳ như: Xi măng Portland đen giảm 16,66%; dịch vụ sản xuất tấm, phiến, ống và các mặt nghiêng bằng plastic giảm 12,55%; dịch vụ in trờn sợi và vải (gồm cả đồ để mặc) giảm 15,98%...

Điển hình về mức tăng trưởng mạnh trong ngành sản xuất và phân phối điện được liệt kê gồm: Khánh Hòa tăng 593,5%; Trà Vinh tăng 144,7%; Thanh Hóa tăng 30%...

Bên cạnh những địa phương giữ được “phong độ” tăng trưởng sản xuất công nghiệp còn có những địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất và phân phối điện tăng thấp hoặc giảm đã kéo giảm đà tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh.

Trong đó, các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: Hà Tĩnh giảm 9,0%; Cà Mau giảm 5,6%, Gia Lai tăng 0,5%. Các địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 4 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Hòa Bình giảm 51,7%; Sơn La giảm 46,2%; Quảng Ninh giảm 23,7%; Lai Châu giảm 16,6%.

Sự khởi sắc về sản xuất công nghiệp của các địa phương đã đóng góp vào mức tăng trưởng sản xuất chung toàn ngành công nghiệp. Theo số liệu thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,0% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kết quả khả quan này, vai trò của ngành Công Thương vô cùng quan trọng. Với vai trò quản lý, ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản....

Tập trung cao độ cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các địa phương triển khai dự án đường dây 500KV mạch 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dõi sát tình hình phụ tải điện và diễn biến thời tiết, thủy văn để kịp thời ứng phó theo các kịch bản đã được Bộ chủ động xây dựng cho từng quý, từng tháng; đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-cong-nghiep-4-thang-nam-2024-nhung-dia-phuong-nao-giu-duoc-phong-do-317667.html