Sản xuất công nghiệp Đà Nẵng duy trì đà tăng trưởng
Với những chiến lược và chính sách đồng bộ, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao của miền Trung, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Mới đây, Cục Thống kê Đà Nẵng đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025. Báo cáo cho thấy, sản xuất công nghiệp tại thành phố đang có những tín hiệu tích cực. Một số ngành chủ lực tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế địa phương.
Theo báo cáo, những ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, chế biến gỗ, hóa chất và sửa chữa máy móc, thiết bị hàng không tiếp tục phát triển ổn định. Đáng chú ý, các ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu và đồ chơi trẻ em, vốn gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm nguyên liệu, nay đã có những dấu hiệu phục hồi.
Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi trọn trong tháng 1/2025, số ngày hoạt động của phần lớn doanh nghiệp chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 17,1% so với tháng 12/2024 và giảm 7,9% so với tháng 1/2024. Tuy vậy, một số sản phẩm có giá trị lớn vẫn đạt mức tăng trưởng dương, giúp thu hẹp mức giảm chung của toàn ngành. Trong đó, bia lon, vải dệt thoi từ sợi bông, bộ lọc dầu hoặc xăng cho động cơ đốt trong, nước ngọt, bê tông trộn sẵn… đều ghi nhận mức tăng từ 5,8% đến 35,5%.
![Sản xuất công nghiệp khởi sắc, tạo động lực để Đà Nẵng phát triển bền vững.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_59_51419776/a3f26d285466bd38e477.jpg)
Sản xuất công nghiệp khởi sắc, tạo động lực để Đà Nẵng phát triển bền vững.
Trước đó, trong năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp tại Đà Nẵng đã có bước bứt phá mạnh mẽ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, giá trị gia tăng khu vực công nghiệp - xây dựng trong 6 tháng cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khu vực dịch vụ. Cụ thể, quý III/2024 tăng 11,5%, quý IV tăng 14,8%, góp phần đưa mức tăng trưởng cả năm lên 7,69%, trở thành một trong hai trụ cột kinh tế của thành phố.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng với doanh thu toàn ngành đạt 18.486 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 159 triệu USD. Những tín hiệu tích cực từ khu vực sản xuất đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 tăng 7,51%. Thu ngân sách đạt hơn 25.700 tỷ đồng, vượt 33% so với dự toán HĐND thành phố giao.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng, Đà Nẵng đang triển khai chiến lược thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, tự động hóa và công nghiệp xanh. Thành phố tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
![Dệt may là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp Đà Nẵng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_59_51419776/cb1b0bc1328fdbd1829e.jpg)
Dệt may là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Cảng Đà Nẵng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động logistics, trong khi hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp với khu vực lân cận đang được nâng cấp nhằm giảm ùn tắc và tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa. Thành phố cũng đang thúc đẩy mô hình cụm liên kết công nghiệp giữa Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp vệ tinh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển bền vững.
Hiện, Đà Nẵng sở hữu 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100 ha, một khu công nghệ cao rộng 1.128 ha và một khu công nghệ thông tin tập trung 130 ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp lên hơn 2.300 ha. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt khoảng 88%, cho thấy nhu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất vẫn rất lớn...
Để đáp ứng nhu cầu này, thành phố đã triển khai kế hoạch xây dựng thêm ba khu công nghiệp mới gồm Hòa Ninh, Hòa Cầm giai đoạn 2 và Hòa Nhơn với tổng diện tích gần 700 ha.
![Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_59_51419776/c9020dd83496ddc88487.jpg)
Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.
TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 30/10/2020, Nghị quyết 53/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 và Quyết định số 1927/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 đều tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2025 và tầm nhìn xa hơn.
Theo Quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin sẽ là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế thành phố. Thành phố định hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, đồng thời khuyến khích các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Những lĩnh vực được ưu tiên phát triển bao gồm công nghệ vi điện tử, vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp ô tô, hàng không, du thuyền, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa mỹ phẩm và thực phẩm chế biến tinh.
Với những chiến lược và chính sách đồng bộ, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao của miền Trung, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.