Ưu tiên bố trí vốn thực hiện chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia

Chiều 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, chiều 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Phân bổ vốn tập trung, tránh dàn trải

Theo báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 mới được Quốc hội ban hành, dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 3 Chương và 14 Điều.

So với Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, dự thảo Nghị quyết cho giai đoạn 2026-2030 bổ sung, hoàn thiện các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.

Bên cạnh đó là tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình, dự án: chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, vi mạch bán dẫn, giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường...

Ngân sách Trung ương tiếp tục ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương: bổ sung một số tiêu chí làm cơ sở tính điểm như khu vực chịu tác động của công trình quốc phòng và khu vực quân sự nhóm đặc biệt; xã đặc biệt khó khăn vùng III; ưu tiên địa phương theo các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội. Ưu tiên hỗ trợ khu vực Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Dự thảo Nghị quyết cũng đổi mới công tác bố trí vốn nước ngoài đảm bảo bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp; bố trí vốn cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức vốn nước ngoài còn lại (nếu có) được quản lý thống nhất tại trung ương, để bố trí cho chương trình, nhiệm vụ, dự án phát sinh trong kỳ trung hạn sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Nghị quyết cũng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương theo hướng tập trung đầu tư vào các công trình, dự án có tính liên tỉnh, liên huyện; đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có tính lan tỏa cao; đảm bảo không dàn trải, manh mún. Đồng thời, đảm bảo bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo chủ trương đầu tư được duyệt hoặc cam kết đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, dự án kết nối, có tác động liên vùng, dự án có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 là đúng thẩm quyền, quy định pháp luật.

Về các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 (Điều 3), đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng khoản 2 Điều 7 của Luật Đầu tư công năm 2024 đã quy định ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do vậy, đề nghị bỏ Điều 3 và chỉnh lý nội dung liên quan cho phù hợp.

Về nguyên tắc chung về phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 (Điều 4), Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng 9 nguyên tắc chung quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết đã cơ bản kế thừa nguyên tắc chung tại Nghị quyết số 973; đồng thời, đã cập nhật để thống nhất với Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15. Do vậy, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bên cạnh đó, đề nghị rà soát, nhấn mạnh nguyên tắc về bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C theo quy định tại Điều 57 của Luật Đầu tư công để bảo đảm định hướng xuyên suốt là phân bổ vốn tập trung, tránh dàn trải.

Bảo đảm phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực quan trọng

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất các nhóm chính sách và nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhất trí với việc ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần phải khắc phục cho được tình trạng phân bổ dàn trải trong thời gian vừa qua; bảo đảm phân bổ hợp lý giữa những ngành, lĩnh vực quan trọng; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 chưa có cơ chế quản lý đối với việc lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương; chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương trong dành nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng; tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp (đạt 52,7% kế hoạch được giao).

Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên thiết kế điều này trong dự thảo Nghị quyết vì Luật Đầu tư công đã quy định cụ thể 13 ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định tại Luật Đầu tư công năm 2024 để bảo đảm đồng bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C; tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA. Đồng thời, rà soát các tiêu chí để bảo đảm ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công, tiêu chí phải được so sánh định mức, mức độ cấp thiết, tính hiệu quả của dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Sau khi thảo luận, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/uu-tien-bo-tri-von-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-du-an-quan-trong-quoc-gia-post1011153.vnp