Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá

Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn cho biết: Sản xuất công nghiệp (SXCN) 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chỉ số SXCN tăng 7,4% (kế hoạch năm 2024 tăng 8,0%); giá trị SXCN đạt hơn 8.995 tỷ đồng, tăng 7,8% (kế hoạch năm 2024 tăng 8,5%).

Nhiều doanh nghiệp may mặc khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Nhiều doanh nghiệp may mặc khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Cụ thể, chỉ số SXCN khai khoáng giảm 6,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3%.

Về giá trị SXCN, ngành khai khoáng đạt 331,8 tỷ đồng, giảm 5,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.984,0 tỷ đồng, tăng 8,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 599,4 tỷ đồng, tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 79,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, các cơ sở sản xuất hiện có đang duy trì hoạt động ổn định, như: Chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất và phân phối điện. Một số lĩnh vực như sản xuất trang phục, sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ (ván ép) giảm mạnh trong trong năm 2023, đến nay tăng trưởng khá và đã có đơn hàng ký kết đến quý III/2024.

Bên cạnh đó, có một số năng lực mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian qua như Nhà máy Giấy Quảng Bình-Công ty CP Xenlulo Quảng Bình; Nhà máy Sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh; Nhà máy Bê tông Nghi Sơn Quảng Bình… góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm mạnh (chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản xuất xi măng và clinker...). Nhiều dự án công nghiệp lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 nhưng hiện nay bị chậm tiến độ (Nhà máy May công nghiệp QT Quảng Bình; dự án thủy điện La Trọng; may Tun Power mở rộng; viên nén năng lượng Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa…) chưa thể đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp.

Tiểu thủ công nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng quy mô còn nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, sản xuất hàng lưu niệm chưa phát triển. Một số ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hiện nay đang phục hồi và mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động (sản xuất trang phục, sản xuất gỗ ván ép).

“6 tháng còn lại của năm 2024, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện để đưa vào hoạt động trong năm 2024, gồm: Giai đoạn 1 dây chuyền nghiền xi măng Văn Hóa của Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam, các dự án viên nén năng lượng (Trung Chính, VINAFOR), may xuất khẩu (May QT Quảng Bình, may Tun Power mở rộng) đồng thời tiếp tục xúc tiến, đưa vào hoạt động các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; duy trì vận hành phát điện ổn định các Nhà máy điện gió B&T, thủy điện Hố Hô, điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, kết hợp duy trì cấp nguồn từ các nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà, thu hồi nhiệt của các nhà máy sản xuất xi măng; xúc tiến triển khai các dự án lớn về công nghiệp trên địa bàn”, ông Đào Anh Tuấn cho biết thêm.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/san-xuat-cong-nghiep-tang-truong-kha-2218995/