Sản xuất công nghiệp: Tập trung phát triển ngành chế biến, chế tạo

Ngày 1/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ cần tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng từ sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp sang phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao.

Công nhân Công ty TNHH MTV OCEANLINE (xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc) thực hiện công đoạn đóng khuôn bột sở trong quy trình sản xuất dầu sở

Công nhân Công ty TNHH MTV OCEANLINE (xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc) thực hiện công đoạn đóng khuôn bột sở trong quy trình sản xuất dầu sở

Sau khi Nghị quyết 45 được ban hành, ngày 6/1/2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 03 về thực hiện các nội dung của nghị quyết. Đồng thời, sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thu hút phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo.

Nổi bật, năm 2022, các ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ các dự án hạ tầng cụm công nghiệp, dự án liên quan đến công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cải tiến, đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn với tổng mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/dự án. Đồng thời, ngày 4/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 73 về việc thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022. Qua đó, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 dự án về nâng cao năng suất, chất lượng để hỗ trợ cho 62 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Điển hình như Công ty TNHH MTV Hoàng Liên MC (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) đã được hỗ trợ hoàn thiện Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan, công ty đã được hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức chung và cấp chứng chỉ cho 6 nhân viên về Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 trong chế biến hạt mắc ca. Nhờ đó, công ty đã cho ra mắt 3 sản phẩm mắc ca với đầy đủ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được đưa vào tiêu thụ tại các đại lý, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… Vụ mắc ca năm 2023, công ty đã thu mua, chế biến gần 50 tấn quả mắc ca tươi, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng và tạo việc làm cố định cho 8 lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng chủ động thực hiện nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ông Hoàng Cao Thượng, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, phòng đã tham mưu sở triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cấp máy móc thiết bị để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, phòng cũng tham mưu sở tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khuyến công để lựa chọn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến có tiềm năng đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, nâng cao hàm lượng tinh chế sản phẩm, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Điển hình từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương đã tập trung hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo từ nguồn khuyến công được 25 đề án với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng; triển khai thu hút 4 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng mức đầu tư hơn 85 tỷ đồng… Đến hiện tại, các đề án được triển khai thành công đã giúp các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động. Cùng đó, Sở Công Thương tích cực phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tham gia trưng bày triển lãm tại các gian hàng tiêu chuẩn; giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: xe điện DK Bike, hạt mắc ca, dầu sở…

Từ sự vào cuộc của các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết 45, từ năm 2022 đến nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã từng bước chuyển dịch theo hướng từ sơ chế, chế biến thô, có giá trị thấp sang phát triển chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. Theo đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng đều hằng năm. Đơn cử như chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 tăng 10,25% so năm 2021; năm 2023 tăng 11,2% so với năm 2022; riêng trong quý I/2024 tăng 19,79% so với cùng kỳ năm 2023.

Công nhân tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật lắp ráp xe điện

Công nhân tại Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật lắp ráp xe điện

Ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, năng lượng tái tạo, gia công, chế biến gắn với hoạt động xuất, nhập khẩu; ưu tiên phát triển ở các khâu ứng dụng công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm, tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất đảm bảo hiệu quả và thân thiện với môi trường, hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành liên quan, nhiều dự án sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có ứng dụng công nghệ cao đã triển khai thành công trên địa bàn tỉnh, tạo điểm sáng trong toàn ngành sản xuất công nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách nhanh và bền vững.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/san-xuat-cong-nghiep-tap-trung-phat-trien-nganh-che-bien-che-tao-5006011.html