Sản xuất giảm phát thải giúp nông dân sinh lợi
Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt Đề án này sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có nâng cao chất lượng lúa, bảo vệ môi trường và đặc biệt là tăng thu nhập cho nông dân.
Hướng đi đúng đắn
Hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính là một trong những vấn đề được toàn thế giới quan tâm, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia. Trong đó, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày 26/7/2022.
Đề án này được xây dựng nhằm hiện thực hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển ngành Nông nghiệp, trong đó có Vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu.
Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng 1 triệu hécta lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là Đề án mang tính chất đột phá trong việc tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến tiêu cực, khó lường.
Cụ thể, đến năm 2030, lượng lúa giống gieo sạ giảm xuống còn từ 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống;... Tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là hơn 50%.
Long An là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL (hơn 500.000ha). Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh mạnh dạn đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và xuất khẩu. Từ năm 2013, tỉnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sau hơn 10 năm thực hiện, ngành hàng lúa gạo của tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những giống lúa có chất lượng thấp được thay thế bằng giống lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển cánh đồng lớn, từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong quá trình sản xuất lúa của nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướngbtập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Thực hiện Đề án, tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai tại 7 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Đề án triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh là 65.000ha. Giai đoạn 2 (2026-2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải ngoài vùng dự án VnSAT.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Ngân Văn Phi cho biết, sản xuất lúa thời gian qua gặp khó khăn do giá cả không ổn định và chất lượng lúa cũng chưa bảo đảm. Do đó, khi được ngành Nông nghiệp tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải, HTX rất phấn khởi và nhanh chóng triển khai ngay trong vụ Thu Đông 2024. Theo đó, có 4 hộ thành viên HTX tham gia thực hiện mô hình điểm với diện tích 15ha.
“Để thực hiện thành công Đề án, HTX cùng các hộ thành viên tham gia Đề án chuẩn bị mặt bằng, lựa chọn giống và nghiên cứu quy trình canh tác mới. Đồng thời, HTX cũng phối hợp các cơ quan chuyên môn tư vấn và hướng dẫn cho các hộ thành viên thu gom rơm rạ, quản lý nước tưới, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật,…” - ông Ngân Văn Phi cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, Đề án là hướng đi đúng đắn, góp phần giúp nông dân từng bước chuyển từ tư duy sản xuất tập trung sản lượng sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.
Hướng đến tăng thu nhập cho nông dân
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: Đề án không chỉ nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần giúp nông dân tăng thu nhập từ việc giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau khi thu hoạch, giảm nước tưới,...
Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Việc giảm lượng giống gieo sạ không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giảm sâu, bệnh và hạn chế lúa bị đổ ngã vào cuối vụ. Cùng với đó, việc áp dụng các quy trình, máy móc hiện đại vào sản xuất cũng giúp nông dân tiết kiệm được thời gian và công lao động”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan, trên cơ sở nền tảng là các diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao, dự án VnSAT, tỉnh rà soát, đăng ký diện tích tham gia Đề án đến năm 2025 là 60.000ha. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2030, diện tích này sẽ được mở rộng và tăng lên 125.000ha. Đề án này được chính quyền, ngành Nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Mặc dù tỉnh không nằm trong số các tỉnh được giao thực hiện thí điểm Đề án nhưng địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2024 để đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến việc thực hiện mang lại kết quả cao nhất trong những năm tới.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp cũng như thông tin về những chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án.
Đặc biệt, ngành tổ chức thành công hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Faeger (Nhật Bản) về việc hợp tác triển khai, thực hiện thử nghiệm các mô hình xây dựng chứng chỉ carbon từ sản xuất lúa ứng dụng phương pháp ngập khô xen kẽ (AWD) trên địa bàn tỉnh và hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm bảo đảm nguồn máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm lúa gạo của các diện tích tham gia Đề án.
“Mục tiêu quan trọng của Đề án là tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường. Qua đó, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa” - bà Hồ Thị Ngọc Lan thông tin./.
Nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha và lượng phân bón 200kg/ha.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/san-xuat-giam-phat-thai-giup-nong-dan-sinh-loi-a185141.html