Sản xuất hồi phục, xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng tích cực

Theo khảo sát của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA), Việt Nam có tổng điểm số cao hơn về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may so với Trung Quốc và Bangladesh.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, tháng 7/2024 sản lượng sản xuất một số mặt hàng NPL ngành dệt và may mặc đều tăng như sợi tơ (filament) tổng hợp đạt 115.585 tấn, tăng 6,46% so với năm 2023. Sợi từ bông (staple) tăng 33,26%, đạt 17.134 tấn. Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói … đạt 97.640 tấn, tăng 11,1% so với tháng 7/2023.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ lần đầu tiên sau nhiều tháng đã hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam.

Dự báo, xuất khẩu mặt hàng này của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới nhờ các tháng trong quý III là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm.

Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

Thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng.

Thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng.

Đặc biệt, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang hồi phục tốt.

Tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, giúp sức mua tăng. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng.

Theo đó, các doanh nghiệp thời trang tại Hoa Kỳ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam đang được quan tâm, trong đó xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bền vững gia tăng.

Đáng chú y, khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc.

Vì vậy, trong dài hạn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng tại thị trường này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,41 tỷ USD, tăng 9,46% so với tháng 6/2024 và tăng tới 25,8% so với tháng 7/2023. 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 15,83 tỷ USD, tăng 15,65% so với 7 tháng đầu năm 2023 và tăng 10,43% so với cùng kỳ năm 2019.

Về chỉ số sản xuất, tháng 7/2024 ngành dệt tăng 2,6% so với tháng 6/2024 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 3,5% so với tháng 6/2024 và tăng 9,8% so với tháng 7/2024. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/san-xuat-hoi-phuc-xuat-khau-det-may-viet-nam-tang-truong-tich-cuc-204240821203953014.htm