Sản xuất lúa giảm phát thải, tăng thêm thu nhập nông dân

Thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp', Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp, kết quả cho thấy, thu nhập tăng thêm cho nông dân nhờ giảm chi phí và bán tín chỉ carbon từ các mô hình triển khai.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon với đơn giá là 5 USD/tấn, năm 2024 bà con nông dân trồng lúa đã có thêm lợi nhuận khi bán tín chỉ carbon với giá là 20 USD/tấn.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mô hình rộng 50 ha thực hiện ở hợp tác xã Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho thấy, nông dân giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg/ha xuống còn 60 kg/ha, giảm bón phân từ 3 - 4 lần còn 2 lần mỗi vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ... Lúa sau khi thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg so với canh tác truyền thống.

Mô hình sản xuất lúa theo Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Mô hình sản xuất lúa theo Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh bán tín chỉ carbon, việc chuyển đổi mô hình canh tác, giảm phát thải theo định hướng của Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” không những giúp cấu trúc lại hệ sinh thái của ngành hàng lúa gạo mà còn mang lại lợi thế cao hơn đối với hạt gạo Việt Nam trong việc xuất khẩu khi các quốc gia trên thế giới đang hướng đến việc nhập khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển xanh.

“Đây là chương trình sản xuất lúa gạo carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính lần đầu tiên được triển khai trên thế giới với quy mô lớn, điều này được cộng đồng quốc tế ủng hộ rất lớn. Mô hình đầu tiên triển khai dự án được thực hiện ở thành phố Cần Thơ đã có kết quả rất tốt, đã giảm lượng lúa giống, phân bón và lượng nước sử dụng, nhưng năng suất vẫn tăng, theo đúng định hướng của Đề án đề ra” - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Nội vụ thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo với mục đích tập hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trồng lúa để điều hành dự án.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: “Khi dự án hoàn thành sẽ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia, kể cả các ngân hàng theo hướng tăng trưởng xanh. Mục đích chính của dự án là xây dựng được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo tiêu chí giảm phát thải, bên cạnh đó sẽ có các giải pháp đồng bộ đi theo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Sắp tới các doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều vì trong tương lai, thế giới sẽ yêu cầu những sản phẩm có chứng chỉ carbon giảm phát thải khí nhà kính”.

Minh Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-xuat-lua-giam-phat-thai-tang-them-thu-nhap-nong-dan-post1118532.vov