Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Ứng phó biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương đưa những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng điều kiện thời tiết vào canh tác trên địa bàn thành phố.

Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại giá trị kinh tế cao cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngành Nông nghiệp và huyện Sóc Sơn hỗ trợ nông dân trồng khoai tây giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trọng Tùng

Ngành Nông nghiệp và huyện Sóc Sơn hỗ trợ nông dân trồng khoai tây giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trọng Tùng

Thêm nhiều giống mới chất lượng cao

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Đại Phát (xã Phú Phương, huyện Ba Vì) Nguyễn Công Ứng thông tin, hợp tác xã tham gia trồng 12ha khoai tây giống mới thích ứng biến đổi khí hậu. Đến nay, khoai đã cho thu hoạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã đẹp, năng suất trung bình 14 tấn/ha, với doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha. Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, việc xử lý phụ phẩm khoai tây trồng vụ đông còn tạo nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây lúa vụ xuân, phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, để hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã đưa các giống mới vào sản xuất. Các giống cây trồng mới này đều cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ nông dân giống khoai tây mới, có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, với quy mô 55ha, triển khai tại các xã: Tam Đồng và Tự Lập (huyện Mê Linh); Hiền Ninh và Đông Xuân (huyện Sóc Sơn); Phù Lưu (huyện Ứng Hòa). Có 154 hộ tham gia mô hình, thực hiện trên các giống khoai tây Julinka và Atlantic.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, trồng khoai tây quy mô 30ha, triển khai tại các điểm: Xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa), xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) với 186 hộ tham gia thực hiện trên giống khoai tây Julinka. Hiện nay, khoai tây đang sinh trưởng đều, cơ bản mọc lên trên mặt luống, tỷ lệ mọc đạt trên 90%. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân khi cây khoai tây đạt chiều cao khoảng 7-10cm thì tiến hành vun xới lần 1, bón phân chăm sóc tập trung, phòng trừ bệnh lở cổ rễ và sâu xám gây hại.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn hỗ trợ mô hình sản xuất ngô sinh khối thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp nhu cầu thị trường. Vụ đông 2024, mô hình ngô sinh khối được thực hiện quy mô 20ha, triển khai tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) với 28 hộ tham gia trên giống ngô NK7328. Hiện nay, ngô ra 7-8 lá, chuẩn bị vào giai đoạn xoáy nõn, sinh trưởng phát triển tốt nhưng trên ngô đang xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại nhẹ. Cán bộ kỹ thuật đã phối hợp cơ sở thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Từ đó, hỗ trợ tối đa cho người nông dân trong sản xuất, nâng cao thu nhập.

“Về cơ bản, các giống mới đưa vào sản xuất đã tạo điều kiện cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất nông nghiệp của người dân; đồng thời kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, từ cây giống tới quá trình chăm sóc, cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể lựa chọn giống mới năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống của mỗi địa phương; tạo hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.

Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường

Tuy vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp mới trên địa bàn Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, như: Quy mô nhỏ lẻ; trình độ tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng tại các vùng chuyên canh chưa được đầu tư đồng bộ gây khó khăn cho việc hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, chủ yếu bán cho thương lái, đặc biệt là khi vào vụ thu hoạch… Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh đề nghị, ngành chức năng tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm để khẳng định hiệu quả và nhân rộng. Các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, hợp tác xã về việc đưa các loại cây giống mới vào sản xuất theo hướng an toàn.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, các địa phương cần tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân và hợp tác xã trong việc đưa giống mới vào sản xuất. Các địa phương cũng cần định hướng sản xuất cho người dân; tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn tới giá giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch. Sở NN&PTNT Hà Nội cam kết phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến; đưa giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất theo hướng an toàn...

Mặt khác, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp mới; hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ, tăng giá trị nông sản, từ đó, tạo điều kiện cho nông dân và hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-xuat-nong-nghiep-thich-ung-bien-doi-khi-hau-686827.html