Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết, những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là hạn hán, sương muối, lũ lụt... Vì vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp cùng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân.
Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Chuyển giao các giống cây trồng mới, canh tác nông nghiệp thông minh gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng các loại giống cây trồng có khả năng thích nghi với sự biến đổi khí hậu như giống chịu lạnh, chịu hạn...
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp &PTNT đã có văn bản chỉ đạo sản xuất mùa vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi. Đối với vụ xuân hè, ngành đã đề nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn; ưu tiên thu hoạch trước diện tích lúa vùng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét gây thiệt hại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với vụ mùa, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm rạ để tránh gây hiện tượng ngộ độc trong đất, ảnh hưởng đến lúa cấy vụ mùa. Đồng thời, triển khai gieo cấy lúa vụ mùa đúng lịch và khung thời vụ; sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày, giống chất lượng, một số giống lúa kháng bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Cùng với chuyển đổi khung thời vụ, ngành Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu nhiều giống cây trồng, tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào sản xuất 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 2 giống chè; 1 giống cà phê và 20 giống cây ăn quả các loại, có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp; mô hình cây trồng trái vụ; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất trong nhà màng, nhà kính; áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có trên 20.500 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và tiêu chuẩn 4C, UTZ; trên 1.200 ha được trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, phun tự động; 53 ha nhà lưới, nhà kính; xây dựng, duy trì 235 chuỗi cung ứng sản xuất an toàn; gần 200 HTX nông nghiệp có sử dụng công nghệ cao hoặc một số khâu của sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản... góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, huyện Yên Châu, cho biết: HTX có 35 ha mận, 5 ha xoài, 10 ha nhãn, 2 ha bưởi. Thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã vận động thành viên cải tạo, thay đổi quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ các khâu chọn giống, làm đất, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đầu tư làm hệ thống tưới phun tự động và lưới che để bảo vệ vườn mận trước nguy cơ thiệt hại do mưa đá, sương muối. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng khoảng 30% so với trước đây.
Ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững triển khai Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc. Từ năm 2018 đến nay, đã triển khai thực hiện 30 mô hình canh tác cà phê gắn với bảo vệ môi trường, chuyển giao kỹ thuật phục tráng các giống lúa nếp bản địa cho người dân địa phương tự thực hiện tại huyện Thuận Châu; mô hình kết hợp trồng nhãn chín muộn, ngô, cỏ tại xã Chiềng Chăn; mô hình trồng mắc ca, cà phê và đậu đỗ tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn; trồng sơn tra, ngô, cỏ chăn nuôi tại xã Co Mạ, huyện Thuận Châu...
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, thông tin: Là địa phương được hưởng lợi từ rất nhiều dự án canh tác bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó, huyện đã và đang vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong sản xuất để tiến dần đến việc sử dụng phân bón, thuốc hữu cơ; nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững...
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thích ứng để sản xuất hiệu quả, bền vững. Bên cạnh sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, người nông dân cần nâng cao nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống phù hợp vào sản xuất, nhất là thay đổi tập quán canh tác sản xuất, giảm thiểu tác động tới môi trường, để gặt hái những vụ mùa bội thu.