Sản xuất nông sản an toàn
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương hỗ trợ hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh cá thể xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh.
Thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (nay là Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh) đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ nhiều cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm ATTP. Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện 58 chuỗi nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng và ATTP.
Cùng với đó, chi cục tăng cường lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP đối với các sản phẩm nông, thủy sản được bán tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm TP.Quảng Ngãi; cơ sở kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản (thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 5/2024 đến ngày 20/10, chi cục đã tiến hành thu 84 mẫu nông, thủy sản để giám sát. Kết quả phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP, có 84/84 mẫu đạt yêu cầu. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh Đặng Tấn Thương cho biết, kết quả này không chỉ đánh giá chất lượng thực phẩm, mà còn cho thấy ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, thủy sản ngày được nâng cao; công tác quản lý, kiểm soát ngày càng hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Thương, sản xuất nông nghiệp an toàn là nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân đến chăm sóc, quản lý dịch hại. Điều này giúp tăng năng suất, gia tăng hiệu quả kinh tế từ 10 - 15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Ngoài ra còn giúp ngành chức năng kiểm soát được chất lượng, bảo đảm ATTP, cung cấp nguồn nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn còn khó khăn. Nguyên do là người dân, HTX không đủ nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ đồng bộ các khâu từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Giám đốc HTX Sản xuất muối I Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) Nguyễn Thành Út đề xuất, cùng với ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, máy móc, trang thiết bị để các HTX có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần hỗ trợ HTX trong khâu quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn nhằm tìm kiếm, ổn định thị trường tiêu thụ. Năm 2024, 170 thành viên của HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi vật liệu dùng sản xuất muối, đó là sử dụng bạt HDPE để lót nền trên ô kết tinh nên năng suất và chất lượng muối được cải thiện rõ rệt so với trước. Tuy nhiên, vì giá bán cao, nên việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian đến, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 98 ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là, phối hợp với chính quyền các địa phương và sở, ngành liên quan triển khai xây dựng, nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng an toàn gắn với giám sát sản phẩm trên diện rộng. Qua đó, kịp thời đánh giá, phát hiện và cảnh báo nguy cơ về ATTP đối với các sản phẩm nông, thủy sản, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh tổ chức sản xuất gần 1.500ha, sản lượng trên 24 nghìn tấn rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc...