Sản xuất sầu riêng múi đông lạnh xuất khẩu

Gắn bó với cây sầu riêng trên quê hương Di Linh bao năm nay, ông Trần Văn Hiếu ở Thôn 2, xã Hòa Nam luôn băn khoăn, trăn trở trước tình cảnh được mùa, mất giá, đầu ra không ổn định của giống cây đặc sản này. Vì vậy, ông Trần Văn Hiếu đã tìm tòi học hỏi để chế biến sầu riêng múi đông lạnh xuất khẩu nhằm tạo thu nhập cho gia đình và bao tiêu nông sản cho người dân trên địa bàn.

Ông Trần Văn Hiếu - người tìm hiểu nghiên cứu để sản xuất, chế biến sầu riêng múi xuất khẩu tại Di Linh

Ông Trần Văn Hiếu - người tìm hiểu nghiên cứu để sản xuất, chế biến sầu riêng múi xuất khẩu tại Di Linh

Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đầu năm 2021 gia đình ông Trần Văn Hiếu đã thành lập cơ sở chế biến Hiếu Tuyền tập trung sản xuất sầu riêng múi xuất khẩu. Để đi vào hoạt động, cơ sở Hiếu Tuyền đã đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng mua sắm tủ cấp đông và tủ trữ hàng cho việc sản xuất sầu riêng đông lạnh. Hiện nay, đang chính vụ sầu riêng nên cơ sở chế biến của ông Hiếu đang có hơn 40 công nhân làm việc liên tục để làm hàng xuất khẩu.

Ông Trần Văn Hiếu cho biết, Di Linh là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nên nguồn nguyên liệu đầu vào để chế biến loại “trái cây vua” này rất dồi dào. Hiện nay, cơ sở chế biến của gia đình ông đang thu mua sầu riêng trái của bà con nông dân các xã Hòa Nam, Hòa Trung, Hòa Bắc, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh… với giá từ 30 - 47 ngàn đồng/1 kg. Sầu riêng được thu hái đảm bảo ở độ già nhất, đợi khoảng 3 đến 4 ngày để trong kho sẽ chín, sau đó, công nhân lựa chọn để tiến hành bổ, lột vỏ lấy múi đóng gói và đưa vào cấp đông ở nhiệt độ âm -400C. Hiện đang chính vụ nên cứ 4 - 5 ngày cơ sở của ông chủ Trần Văn Hiếu lại tập kết hàng xuất khẩu 27 tấn sầu riêng đông lạnh ra nước ngoài. Trong đó, thị trường chủ yếu là Trung Quốc và Úc với trung bình sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 4 nghìn tấn mỗi năm. Hiện tại, cơ sở chế biến Hiếu Tuyền đang xúc tiến, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường đến nhiều nước khác trên thế giới, nâng cao công suất chế biến, gia tăng sản lượng xuất khẩu. Cùng với đó, cơ sở của ông chủ Trần Văn Hiếu không ngừng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.

Theo ông Trần Văn Hiếu, việc đưa trái sầu riêng của địa phương xuất khẩu ra nước ngoài đã khó, đưa sầu riêng múi cấp đông xuất khẩu lại càng khó hơn. Thị trường xuất khẩu vô cùng lớn nhưng cũng đòi hỏi quy trình sản xuất và chế biến nghiêm ngặt, do đó để sầu riêng địa phương vươn xa thì bài toán đặt ra là xây dựng được mã vùng trồng cũng như chăm sóc, chế biến theo chuỗi liên kết, khi đó sầu riêng mới có thể xuất khẩu chính ngạch được.

Cùng với nhu cầu sử dụng sầu riêng trong nước và thế giới được dự báo ngày càng tăng, với yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thì sản phẩm sầu riêng được chế biến sâu là giải pháp cốt lõi để giải quyết đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này tại địa phương. Sầu riêng múi cấp đông của gia đình ông Hiếu được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước phát triển vững mạnh trong thời gian tới.

Ông Hoàng Xuân Hóa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh cho biết, Di Linh là vùng trồng sầu riêng lớn với diện tích trên 2,3 ngàn hecta. Chính vì vậy, đầu ra ổn định là bài toán cho nông dân trồng sầu riêng tại địa phương. Việc cơ sở chế biến sầu riêng múi của ông Trần Văn Hiếu đi vào hoạt động, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhà nông trên địa bàn. Xưởng chế biến sầu riêng cấp đông của gia đình ông Hiếu từ khi đi vào hoạt động cũng đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/ tháng. Hội Nông dân huyện khuyến khích gia đình hội viên đẩy mạnh liên kết sản xuất để phát triển bền vững, ổn định và khẳng định được thương hiệu sầu riêng Di Linh.

DUY NGUYỄN - DUY NHÃ

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202209/san-xuat-sau-rieng-mui-dong-lanh-xuat-khau-3133981/