Sản xuất theo chuỗi giá trị - niềm vui của người trồng tre măng Bát độ Yên Bái

Cây tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái. Nhất là khi mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp được hình thành, cây tre Bát độ thực sự đã trở thành cây làm giàu, giúp đời sống của người dân vùng trồng tre măng ngày một khởi sắc.

Là một trong những hộ trồng tre măng Bát độ đầu tiên của xã Suối Bu, gia đình chị Giàng Thị Dông hiện đã có gần 1.000 khóm tre. Mỗi lứa thu hoạch đã đem lại nguồn thu hàng triệu đồng cho gia đình, nguồn thu này cao hơn nhiều so với các cây trồng khác của gia đình.

Không chỉ ở thôn Ba Cầu mà tại thôn Bu Cao, xã Suối Bu những ngày này bà con cũng đang nhộn nhịp thu hái măng. Hàng tấn măng tươi được thu về mỗi ngày, với giá ổn định khoảng 5.500 đồng/kg đã đem về hàng chục triệu đồng cho bà con. Mặc dù mới đưa cây tre măng vào trồng từ năm 2021, nhưng đến nay xã Suối Bu đã có trên 130 hộ trồng với tổng diện tích khoảng 35ha và hình thành nên Tổ hợp tác trồng tre măng. Hiện Tổ hợp tác đã kết nối với 4 công ty: Sơn Thuận, Yên Thành, Vạn Đạt và Phương Vi đảm bảo bao tiêu sản phẩm măng tươi cho bà con.

Hiện, toàn huyện Văn Chấn có trên 90ha tre măng Bát độ, tập trung ở các xã: Thượng Bằng La, Tân Thịnh và Trần Phú. Năm 2024, huyện tiếp tục triển khai Dự án liên kết sản xuất tre măng với Công ty Yên Thành, cấp thêm 46.500 cây giống cho các xã trồng mở rộng diện tích.

Măng Bát độ được sơ chế tại Công ty TNHH YAMZAKI Nhật Bản.

Tuy nhiên, "thủ phủ” của tre măng Bát độ phải kể đến huyện Trấn Yên. Bén rễ trên đất Trấn Yên từ 20 năm nay, diện tích tre măng Bát độ tập trung nhiều ở các xã: Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh với trên 1.500 hộ trồng, tổng diện tích trên 4.200 ha, sản lượng 30.000 tấn măng thương phẩm/năm. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất măng, đem lại giá trị hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho người dân.

Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền các địa phương đã vận động người trồng tre thành tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo "cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Các công ty thực hiện chặt chẽ liên kết chuỗi giá trị với người dân từ khâu lựa chọn đất - kỹ thuật trồng - thu mua - chế biến đến xuất khẩu sản phẩm. Sản phẩm măng Bát độ được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài, giá thu mua ổn định từ 5.500 - 6.500 đồng/kg tùy thuộc vào địa điểm thu mua xa, gần, hàng năm doanh nghiệp có điều chỉnh giá theo hướng có lợi cho nông dân. Các sản phẩm từ tre măng Bát độ đã xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Công nhân Công ty TNHH YAMZAKI của Nhật Bản, mỗi năm chế biến trên 500 tấn măng muối xuất sang thị trường tiềm năng này.

Công ty TNHH YAMZAKI của Nhật Bản, có địa chỉ tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, thành lập đi vào hoạt động năm 2021 là một trong những daonh nghiệp cầu nối sản xuất măng muối, cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Hiện Công ty đã kết nối 2 hợp tác xã và 12 tổ hợp tác trên toàn tỉnh, thu mua 35 - 50 tấn măng tươi/ngày cho người dân để chế biến mỗi năm trên 500 tấn măng muối xuất sang thị trường tiềm năng này.

Việc liên kết chuỗi giá trị sản xuất măng tre đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng tre măng Bát độ, giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích để phát triển bền vững.

Minh Huyền - Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/327906/san-xuat-theo-chuoi-gia-tri---niem-vui-cua-nguoi-trong-tre-mang-bat-do-yen-bai.aspx