Sản xuất thông minh và nhà máy thông minh: Hai khái niệm không thể nhầm lẫn
Dù có mối quan hệ mật thiết, đôi khi được dùng thay thế cho nhau trong CMCN 4.0, nhưng sản xuất thông minh và nhà máy thông minh lại là hai khái niệm khác nhau.
Sản xuất thông minh là gì
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã diễn ra hơn một thập kỷ, nhưng các quốc gia vẫn chưa có một khái niệm chung về sản xuất thông minh (Smart Manufacturing).
Tuy nhiên, trong tài liệu xuất bản năm 2019, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã định nghĩa tiêu chuẩn sản xuất thông minh là “sản xuất cải thiện các khía cạnh hiệu suất bằng cách sử dụng tích hợp và thông minh các quy trình, tài nguyên mạng, tài nguyên vật lý và con người để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, cộng hưởng với sản phẩm và dịch vụ khác trong chuỗi giá trị doanh nghiệp”.
Nhà máy thông minh là gì
Việc áp dụng các nguyên tắc sản xuất thông minh trong một cơ sở sản xuất có thể làm cho một nhà máy trở nên thông minh hơn. Nhà máy thông minh (Smart Factory) tận dụng tối đa công cụ hỗ trợ sản xuất thông minh để cải thiện các quy trình sản xuất truyền thống hiện có. Vì dữ liệu trong một nhà máy thông minh chủ yếu là kỹ thuật số nên các doanh nghiệp hướng tới không quản lý bằng giấy tờ.
Nhà máy thông minh hoạt động theo cách thu thập dữ liệu cần thiết, cho phép truy cập chúng trong thời gian thực mà không cần đến các bộ phận, máy móc hoặc nhân công cụ thể của nhà máy. Nói cách khác, mọi thứ trong nhà máy thông minh đều được tự động hóa và kết nối với nhau. Một nhà máy thông minh cũng sử dụng phần mềm sản xuất thông minh để phân tích dữ liệu nhằm cải tiến quy trình.
Mối quan hệ giữa sản xuất thông minh và nhà máy thông minh
Theo các chuyên gia của ABeam Consulting, sản xuất thông minh và nhà máy thông minh phụ thuộc vào nhau để đạt được bốn mục tiêu chung gồm: Cải tiến năng suất, tối ưu đầu ra và cắt giảm thời gian chết (Downtime) và nâng cao tính linh hoạt nhằm của chuỗi cung ứng.
Trong đó, nhà máy thông minh tận dụng tối đa các nguyên tắc và giải pháp đầu cuối của sản xuất thông minh cung cấp để đạt hiệu suất cao nhất. Vì những biến động về nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường là không thể tránh khỏi, các nhà máy thông minh cần liên tục thúc đẩy cải tiến, hiệu quả và năng suất để đối phó với những thay đổi này.
“Nhờ hệ thống có khả năng cung cấp dữ liệu thời gian thực, doanh nghiệp có thể quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, cải thiện quy trình phân phối đầu cuối với tính minh bạch cao hơn cho cả khách hàng và nhà đầu tư”, ông Ryohei Oda, Tổng Giám đốc ABeam Consulting Việt Nam, giải thích. “Sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tăng chất lượng đầu ra, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi thông qua quá trình tổng hợp và phân tích Big Data bởi các chuyên gia dữ liệu và nhân sự có kinh nghiệm về quy trình sản xuất”.
Sản xuất thông minh cũng tận dụng những tiến bộ và sáng kiến này để mở ra tiềm năng thực sự của từng công nghệ và chiến lược. Khi sản xuất thông minh biến các nhà máy truyền thống thành nhà máy thông minh, việc triển khai sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành sản xuất.
Vai trò của sản xuất thông minh tại Việt Nam
Việc phát triển sản xuất thông minh không chỉ đem đến lợi ích cho các doanh nghiệp riêng lẻ mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Ông Oda chỉ ra bốn khía cạnh chính ảnh hưởng bởi xu hướng sản xuất thông minh gồm: Cơ sở hạ tầng, quy mô triển khai, kinh tế và R&D.
“Đối với cơ sở hạ tầng. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đáng kể nhu cầu nâng cấp chất lượng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là nền tảng cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Đây sẽ là động lực thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số của Việt Nam phát triển, đặc biệt xung quanh giải pháp kỹ thuật số và kết nối Internet tốc độ cao”, ông Oda cho biết.
Về quy mô, xu hướng này thôi thúc các doanh nghiệp trong nước ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Big Data… để tối ưu hóa quy trình, quản lý chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ góc độ kinh tế, sản xuất thông minh tạo động lực cho ngành công nghệ Việt Nam đáp ứng nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số tăng đột biến. Sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương nhờ tạo nhiều cơ hội làm việc và cung cấp giải pháp sáng tạo cho doanh nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, các doanh nghiệp sẽ tăng ngân sách đầu tư R&D, nỗ lực tìm kiếm giải pháp công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh và dẫn đầu trong môi trường số. Qua đó, Việt Nam sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn nhờ thành tựu thu được xuyên suốt lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số.
“Sản xuất thông minh là một xu hướng không thể lùi bước trong thời đại 4.0. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng và thích ứng với mô hình này để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất, đồng thời tích cực hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tạo ra môi trường sản xuất thông minh hiệu quả và bền vững”, Tổng Giám đốc ABeam Consulting Việt Nam nói thêm.
ABeam Consulting là đơn vị hàng đầu về tư vấn chuyển đổi số có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), hiện diện 13 quốc gia và sở hữu 29 văn phòng trên toàn thế giới. ABeam Consulting có hơn 5.900 chuyên gia có chứng chỉ SAP và đã triển khai hàng loạt hệ thống SAP cho các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu.
Hiện nay, ABeam Consulting đang cung cấp gói giải pháp “Quick Smart Factory” (QSF) phù hợp giúp các doanh nghiệp sản xuất liên tục (Continuous Manufacturing) và sản xuất theo quy trình (Process Manufacturing) xây dựng nền tảng cơ bản cho nhà máy thông minh với chi phí và thời gian tối thiểu.