Sản xuất trên vùng đất bãi ven sông Đáy trong mùa lũ

Những năm gần đây, lũ trên sông Đáy thường xuyên dâng cao lên trên báo động I, báo động II; có năm lũ trên sông Đáy lên vượt báo động III và vượt mức lũ lịch sử (năm 2017, 2018). Lũ trên sông lên cao đã ảnh hưởng đến sản xuất ở vùng bãi của các địa phương. Vì vậy, các địa phương cần chủ động có biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất.

Vùng bãi xã Thanh Sơn (Kim Bảng) nằm tiếp giáp với lòng sông, được người dân địa phương chuyên trồng các loại rau màu. Tại đây đã hình thành HTX rau an toàn Thanh Sơn tập hợp một số hộ sản xuất áp dụng khoa học, kỹ thuật mới nâng cao năng suất cây trồng như: Sử dụng hệ thống nhà màn, màng phủ không dệt, bón phân theo phương pháp hữu cơ một lần cho cả vụ… Tuy nhiên, diện tích đất bãi ở đây khá thấp, khi lũ lên trên báo động I đã gây ngập một phần, trên báo động II gây ngập toàn bộ. Do vậy, khi bước vào mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm) người dân địa phương có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình sản xuất.

Theo đó, những diện tích quá thấp, sát với lòng sông cơ bản không sản xuất vào những tháng mùa lũ. Với những diện tích phía trên, người dân chuyển phần lớn sang trồng lạc sớm để kịp thu hoạch khi nước lũ lên và một số loại cây khác có chi phí thấp.

Bác Lê Thị Vinh, thôn 2 có hơn 1 sào đất bãi. Trong mùa lũ, bác Vinh không trồng rau ăn lá, lựa chọn trồng đậu tương. Đây là loại cây có chi phí thấp, chỉ khoảng hơn 100 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống, phân bón). Nếu lũ lên ảnh hưởng đến sản xuất thiệt hại về kinh tế không lớn. Bác Vinh tâm sự: Sản xuất trên vùng bãi ven sông trong mùa lũ không trông chờ nhiều vào thu nhập. Vấn đề chính là duy trì không để cỏ mọc và cải tạo đất cho vụ sản xuất mới…

Sản xuất trên vùng đất bãi tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng).

Sản xuất trên vùng đất bãi tại xã Thanh Sơn (Kim Bảng).

HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn, Kim Bảng) có diện tích 5 ha thường xuyên trồng các loại rau, củ, quả. Trong mùa lũ, HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất để ứng phó với lũ trên sông Đáy. Theo đó, HTX thu gọn diện tích trồng lên vùng cao hơn bảo đảm lượng rau cho các hợp đồng đã ký cố định. Khoảng 50% diện tích gần sông, thấp trũng không sản xuất, chờ đến cuối tháng 9 giai đoạn cuối mùa lũ trồng các đợt rau đông sớm đón giá cao.

Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp cho biết: Mùa lũ trên sông trùng với mùa hè nắng nóng nên HTX hạn chế sản xuất rau màu. Lũ lên có mặt thuận lợi là giúp cải tạo, thau rửa đất, nhất là diệt trừ dịch hại còn tồn dư của những vụ trước. Biết cách sản xuất trên vùng bãi, hiệu quả tính trong cả năm sẽ không bị ảnh hưởng.

Vùng trồng hoa ngoài bãi ven sông Đáy của xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) có hơn 10 ha trong những tháng mùa lũ người dân cũng sản xuất cầm chừng. Cây hoa cúc chủ lực chưa đến 1 ha theo hướng gối vụ từ cuối vụ xuân cho thu hoạch sớm trước giai đoạn cao điểm mùa lũ (cuối tháng 7 đầu tháng 8). Diện tích còn lại được trồng lạc, đậu hoặc bỏ không. Gia đình bà Trần Thị Trâm, thôn 5 có 2 sào đất bãi chỉ sử dụng một phần trồng lạc. Theo bác Trâm, sản xuất trên vùng bãi trong mùa lũ rất bấp bênh, chỉ cần 1 đợt lũ lên là có thể mất trắng cả công sản xuất, vốn đầu tư. Để bảo đảm an toàn, sản xuất chủ yếu tập trung ở vườn nhà và tìm việc làm khác thay thế trong mùa lũ.

Thời gian qua, các địa phương có diện tích nằm trên vùng bãi sông Đáy thường xuyên bị ngập trong mùa lũ luôn chủ động triển khai những biện pháp ứng phó. Theo đó, trong xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương chú trọng đến phòng, chống lũ cho sản xuất; đồng thời khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ dự báo và cảnh báo lũ để chủ động thu hoạch diện tích rau màu hiện có… Cùng với đó, chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất ngay sau mùa lũ để phát huy tốt hiệu quả, bù giá trị cho thời gian không canh tác.

Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành không khuyến cáo phát triển sản xuất trên vùng đất bãi trong những tháng mùa lũ; đồng thời khuyến cáo các địa phương chủ động có sự điều chỉnh phù hợp giảm thiểu tác động của lũ đến cây trồng…

Theo dự báo năm nay, khả năng lũ trên sông Đáy sẽ lên trên báo động II và xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9. Đây là thời gian cao điểm của mùa mưa, bão dễ dẫn đến những đợt lũ nội đồng bất thường trên sông Đáy. Việc người dân chủ động phòng chống, điều chỉnh sản xuất giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/san-xuat-tren-vung-dat-bai-ven-song-day-trong-mua-lu-129952.html